Mùa mưa đọc lại Vũ Trung Tùy Bút - Đỗ Ngọc Thạch
10/01/2013 15:40 | 499 lượt xem
Mùa mưa
Mùa mưa đọc lại Vũ trung tùy bút - Đỗ Ngọc Thạch
Vũ trung tùy bút (*) (Tùy bút trong mưa) của danh sĩ Phạm Đình Hổ là một tập truyện ký bằng chữ Hán, theo thể loại ký – một thể loại văn học đã để lại nhiều tác phẩm lớn do các nhà văn là nhà Nho sáng tác, như Truyền kỳ mạn lục (1547) của Nguyễn Dữ, Phủ biên tạp lục (1776), Kiến văn tiểu lục (1777) của Lê Quý Đôn, Thượng Kinh ký sự (1783) của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tang thương ngẫu lục (**) của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, v.v…
Phạm Đình Hổ (1768-1839) tên chữ là Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu: Đông Dã Tiều, tục gọi là Chiêu Hổ. Người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Sinh trong một gia đình khoa bảng, ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí “Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời...”. Tuy học và đọc nhiều sách (9 tuổi, ông đã đọc sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ (tức tú tài) vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.Gặp buổi loạn lạc, Phạm Đình Hổ sống đời hàn nho dạy học ở quê. Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc thi cử, ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Ở đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, vua vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tính hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, sách trước thuật...nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, liền được triệu vào Huế nhận chức Hành tẩu Viện Hàn lâm. Nhưng chỉ được ít lâu, ông xin từ chức. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, phong chức Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, ông lại xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Sau, ông lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ. Năm Nhâm Thìn (1832), Phạm Đình Hổ xin về hưu…
Chí hướng của Phạm Đình Hổ là “lấy văn thơ nổi tiếng ở đời”, nên cuộc đời ông chủ yếu dành cho việc sáng tác và biên soạn sách. Ông đã để lại nhiều công trình khảo cứu, biên soạn có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực: văn học, triết học, lịch sử, địa lý,... tất cả đều bằng chữ Hán. Hiện còn lưu giữ được 22 tác phẩm, trong số đó đáng kể là: An Nam chí (Ghi chép về nước An Nam); Ô châu lục (Ghi chép về châu Ô); Kiền khôn nhất lãm (Cái nhìn tổng quát về trời đất); Lê triều hội điển (Điển chương pháp luật triều Lê); Đạt Man quốc địa đồ (Chân Lạp địa đồ); Ai Lao sứ trình (Hành trình đi sứ Ai Lao); Bang giao điển lệ(Phép tắc luật bang giao); Nhật dụng thường đàm (Từ điển từ ngữ và tri thức thông dụng); Hy kinh lãi trắc (Giải thích ngắn gọn về bộ kinh của Phục Hy),v.v…Về sáng tác văn học có hai tập bút ký Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục (hợp soạn với Nguyễn Án), và hai tập thơ: Đông Dã học ngôn thi (Tập thơ học nói của Đông Dã), Tùng cúcliên mai tứ hữu (Bốn người bạn thông, cúc, sen, mai)(***).
*
Vũ trung tùy bút, hiểu theo nghĩa tùy theo ngọn bút viết trong khi mưa, được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn.
Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được viết theo lối tùy bút bây giờ, mà với nghĩa nôm na là tùy hứng, "muốn viết cái gì thì viết, không cần hệ thống, kết cấu và mạch lạc"… Và trong 90 truyện dài ngắn, không được tác giả sắp xếp theo thể loại, có những nội dung chính sau:
Truyện về các danh nhân, những nhân vật phi thường trong lịch sử, như Phạm Ngũ Lão, Lý Đạo Tái, Truyện vua Lê Lợi, Đoàn Thượng,...Ghi chép các cuộc du lãm, những nơi có danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Cảnh chùa Sơn Tây, Đền Đế Thích,... Các việc xảy ra ở cuối đời Lê: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Cuộc bình văn trongnhà Giám ,…Khảo cứu về duyên cách, địa lý như Thay đổi địa danh, Xứ Hải Dương, Xứ Đường An, Tên làng Châu Khê,... Khảo về phong tục trong đời sống xã hội như Hoa thảo, Cách uống chè, Nón đội, Mẹo lừa, Trộm cắp, Thần trẻ con, Tệ tục, Thần hổ,... Khảo về học thuật nhưHọc thuật, Lối chữ viết, Bàn về âm nhạc , Các thể văn,... Khảo về lễ nghi Lễ tế giao, Lễ nhà miếu, Lễ sách phong,... Khảo cứu về điển lệ: Khoa cử, Phép thi, Quan chức,...
Khi đánh giá Vũ trung tùy bút, các nhà nghiên cứu văn học đều khẳng định giá trị hiện thực cao của tác phẩm, chẳng hạn như thiên bút ký Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh đã được chọn đưa vào chương trình văn học lớp 9 Trung học Phổ thông: Tác giả đã ghi lại cuộc sống xa hoa vô độ của triều đình phong kiến thời vua Lê chúa Trịnh suy tàn. Chúa Trịnh Sâm chỉ thích đi chơi ngắm cảnh đẹp, ngự ở các li cung... nên việc xây dựng đình đài, phục dịch tốn kém, lãng phí vô cùng. Bao nhiêu vật quý ở chốn dân gian, Chúa đều sức lấy. Bọn hoạn quan cung giám “mượn gió bẻ măng”, nhũng nhiễu và dọa nạt, cướp bóc lương dân. Đến nỗi bà mẹ của tác giả cũng phải chặt đi những cây cảnh quý trong nhà để khỏi vạ lây.
Các nhà sử học, cũng tìm thấy trong Vũ trung tùy bút những tư liệu lịch sử quý giá trong nhóm truyện các danh nhân lịch sử với cách kể chuyện ngắn gọn, súc tích và sự chọn lọc những chi tiết, sự kiện độc đáo. Chẳng hạn như chuyện Phạm Ngũ Lão ra mắt Trần Hưng Đạo: Hưng Đạo Vương cùng tuỳ tùng đi ngang qua Đường Hào thấy Phạm Ngũ Lão ngồi bên vệ đường đang đan sọt. Quân lính kéo đến, dẹp lối đi. Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi thản nhiên, như không để ý đến ai cả. Quân lính cầm giáo đâm vào đùi chảy máu mà ông vẫn không nhúc nhích, thấy vậy Vương dừng lại hỏi, bấy giờ Phạm Ngũ Lão mới trả lời rằng đang nghĩ một câu trong binh thư nên không để ý. Biết là người có tài, Trần Hưng Đạo cho ông ngồi cùng kiệu đưa về kinh sư. Từ đó Phạm Ngũ Lão trở thành môn khách của Trần Hưng Đạo. Sau đó, Phạm Ngũ Lão đã lập nhiều chiến công trong hai cuộc chống quân Nguyên xâm lược. Năm 1290, vua Trần Nhân Tông phong chức Hữu Kim ngô Đại Tướng quân, cai quản quân Thánh Dực. Đến đời vua Trần Anh Tông Phạm Ngũ Lão được thăng chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan Nội hầu.
Các nhà nghiên cứu văn hóa thì tìm thấy rất nhiều những tư liệu sống động của xã hội phong kiến xưa, từ chế độ Khoa cử, Quan chức cho đến các nghi lễ từ nhỏ đến lớn…Cuộc sống muôn mặt đời thường cũng hiện ra thật sinh động: cách uống chè, nón đội và cả tệ nạn xã hội: mẹo lừa, trộm cắp…
Điều đáng chú ý làbút pháp miêu tả của tác giả rất gần với cách viết ký của văn học hiện đại: có sự chọn lọc lấy cái điển hình để nâng cao tính khái quát của sự việc, của câu chuyện được kể, chẳng hạn như chuyện về Cuộc bình văn trong nhà Giám: Thoạt nhìn thì cuộc bình văn rất trang trọng với sự có mặt của đủ các quan chức phân chia ra ba chiếu có trên có dưới theo thứ tự phẩm hàm cao thấp… Nhưng, vị quan có chức quyền cao nhất ở cuộc bình văn này là quan Thái phó, Quận công Nguyễn Hoãn mới được triệu ra làm quan Tri Quốc tử giám thì … không hiểu gì về văn chương: “... Duy quan Tri giám Nguyễn Hoãn thì thủy chung nín lặng không nói câu nào, thỉnh thoảng chỉ sẽ cười hi hi mà thôi. Ta trong bụng lấy làm ngờ, hỏi các bè bạn thì ai cũng cười, không bảo rõ. Ta lại càng ngờ, sau hỏi đến các bậc lão thành thì có người bảo rằng: "Nguyễn công học vấn không được học trò phục cho nên lúc bình văn ở nhà Giám không tỏ ý khen chê gì cả". Cũng có người nói rằng: "Nguyễn công khi tuổi trẻ, vì là con nhà tướng, được đỗ hương nguyên, về sau lại đỗ hội nguyên, văn hai kỳ thi ấy đều không phải tự Nguyễn công làm ra". Đó đều là lời truyền văn như thế, ghi lại đây để tham khảo.
Ngày bình văn ở nhà Giám, quan Tri giám làm chủ tọa. Lúc mới đến hội họp, quan Tri giám đứng ở phía Tây, chiếu giữa, quan Tham tụng, Bồi tụng thì đều đứng xế về phía Ðông Nam chiếu mình ngồi, các quan ngồi ở chiếu phía Ðông thì đứng về phía Ðông chiếu mình ngồi. Quan Tri giám lúc bấy giờ mới hướng vào hai chiếu giữa, vái chào mời ngồi, quan Tham tụng, quan Bồi tụng đều vái đáp lại. Rồi quan Tri giám lại vái mời chiếu phía Ðông, các quan Thị lang, Tham đô đều vái đáp lại. Lại hướng vào chiếu phía Tây vái chào mời ngồi, các quan chiếu phía Tây đều vái đáp lại, xong rồi đều lên chiếu theo thứ tự mà ngồi. Chiếu giữa và chiếu phía Ðông thì hộp trầu, ống súc bày đủ mỗi vị quan viên một bộ, còn chiếu phía Tây thì mỗi chiếu hai hộp trầu, hai ống súc. Mặt trời đứng giữa trưa, quan Tri giám sai nha dịch bảo lính lệ sửa soạn cơm trưa, cỗ bàn cũng lịch sự lắm. Cứ lệ thì do nhà bếp riêng quan Tri giám làm cỗ, mà tiền thì dân tạo lệ cung ứng và lấy tiền thuế các hồ Huy Văn”.
Ở chùmnhững bài viết khảo về học thuật, Phạm Đình Hổ đã thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của mình về các vấn đề được bàn tới và được trình bày một cách khúc triết, sinh động, chẳng hạn như bài Bàn về âm nhạc:
Sách Lễ ký(1) nói rằng âm nhạc hợp với hòa khí trong trời đất, thế thì âm nhạc cũng rất quan hệ. Đời thượng cổ đã chế ra lục luật, lục lã, ngũ thanh, bát âm, đến đời nhà Chu thì đầy đủ hơn. Nhà Tần dấy lên đốt mất Kinh Nhạc. Vua Cao tổ nhà Hán không chuộng văn học, Thúc tôn thông (2), Thích phu nhân (3) chỉ bịa ra những tiếng dâm tà, thô tục để nịnh nhà vua. Cổ nhạc từ bấy giờ không còn biết dựa vào đâu mà lý hội được nữa. Song những nhà nghề âm nhạc vẫn còn giữ được chức nghiệp. Dẫu không biết hết được cái ý chế tác của cổ nhân, nhưng âm thanh, tiết tấu vẫn chưa biến mất. Trong những kẻ trí tuệ, họa hoằn có người dò biết được cái mối thừa, như là tiếng đàn gỗ vông của Bá Di (4), khúc hát Ngư Dương của Chính Bình, khúc đàn Quảng Lăng của Kê Khang (5), khúc sáo Tam lộng của Hoàn Y, đó đều là những âm nhạc ai nghe cũng lấy làm khoái trá. Về sau, học giả thất truyền, sai mất cả bản lĩnh. Ống khống hầu thì tiếng bi phẫn, đàn tỳ bà thì giọng ai oán, lại pha thêm những tiếng kèn hồ, trống rợ, thì hăng hái khích liệt quá. Đến cuối đời Tấn, Ngụy, rợ Chi Khương lấn đất Trung nguyên, thanh âm của Trung Hoa chỉ còn ở phía Giang tả. Nhưng khốn nỗi, về đời Tống, Tề thì tản mạn, đời Tấn, Lương thì dâm bạc, đời Tùy lại dâm loạn tệ hơn. Đến đời Đường mới sai Tổ Hiếu Tôn định nhã nhạc, chép ở trong sáchĐường chí có 60 điệu, 84 thanh, cũng hơi đủ cái lệ năm chính, hai biến. Song những khúcĐại thực, Quỳ từ thì lẫn cả tiếng rợ mọi, những điệu Tiên lữ thì động đến đạo quỷ thần, còn những đồ nhạc khí thì lẫn lộn nửa Hồ nửa Hán, không được hoàn toàn. Truyền về sau lại đặt ra khúc Võ mị nương, Tang điều, Tử vân hồi, Vũ lâm ly cùng là những khúc âm nhạcThiên trúc, Sơ lặc, những bài từ Sắc kê, Khuất thác, không thể kể xiết được. Chính thanh đến đấy không còn gì nữa. Đến đời Ngũ quí gặp buổi binh đao loạn lạc, họ ra luật cướp sạch cả những sách vở của các đời ghi chép về khoa âm nhạc. Nhà Sài châu mới sưu tầm lại, nhưng cũng không được đủ. Vua Thái Tổ, Thái Tôn đời nhà Tống không lưu ý gì đến âm nhạc. Những nhà bàn làm nhạc, hoặc kẻ thì chắc bằng về ống ngọc dịch, hoặc người thì chuyên chú về nghề thổ khuê, người thì bảo theo thước cổ, kẻ thì bảo theo thước kim, không biết nên theo đường nào. Sách Nhạc chí, Nhạc thư, mỗi sách chép một khác. Lại như cách phân cự ly theo bằng hạt gạo nếp, cái lỗ tròn chặn theo như lỗ đồng tiền Thông Bảo, thì ông Hồ Viên, ông Phạm Trấn lại khảo cứu mỗi người một khác.
*
Lý Đạo Tái (6) là một nhân vật đặc biệt, được bao phủ bởi nhiều huyền thoại. Song Phạm Đình Hổ không tiếp tục “huyền thoại hóa” nhân vật mà đưa nhân vật trở về chỗ tính người được thể hiện rõ nhất, đó là đứng trước sự cám dỗ của “Cái đẹp” - Thiền sư Huyền Quang có rung động trước nàng Điểm Bích hay không? Đó là điều chưa có lời đáp rõ ràng và trong thiên truyện ký của mình, Phạm Đình Hổ như là muốn hướng người đọc tập trung sự chú ý vào bài thơ của nàng Điểm Bích: Một vị chân tu nơi cửa thiền bất chợt thấy một dung nhan tuyệt đẹp, tức thì cảnh “trăng mai, gió trúc” trước mắt mà mơ hồ như điệu đàn ngân trên mặt nước. Lẽ nào làm ngơ cho đành? Và dung nhan tuyệt đẹp đó lại có Nàng Thơ trú ngụ thì vị chân tu – cũng là một Thi nhân sao lại có thể dửng dưng:
“Huyền Quang thiền sư là Lý Đạo Tái, người làng Vạn Ti, huyện Gia Định, là bậc khoa bảng mà bỏ đi tu, chuyện này đã chép ở Trúc lâm truyền đăng lục. Gần đây, ông Nguyễn Hoàn (7), người Cố đô có soạn bài Huyền Quang hành bằng quốc ngữ, trong có nói đến chuyện nàng Bích, nhưng truyện ấy không thấy chép trong sử, ta thường lấy làm ngờ. Còn nhớ khi mới lên bảy tám tuổi, thường theo bà tiên cung nhân ta sang hầu bà cô họ ngoại là bà chính thất quan Thiêm sự Võ công, người làng Mộ Trạch. Khi các bà ngồi rỗi nói chuyện, có nói đến nàng Bích, ta mới biết quả có người ấy thật. Bà phu nhân thường nói rằng: Mộ nàng Bích ở làng Hoạch Trạch; buổi đầu năm Cảnh Hưng, có kẻ đào lên thì thấy quan tài vẫn còn sơn son y nguyên, mở ra xem, quan tài đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi, rồi đậy lại liền. Sau ông Nhữ Công Chân có câu thơ rằng:
Giai nhân lạc địa ủy kim điều.
Nghĩa là: Giai nhân đày đọa rụng bông vàng.
Lại có câu:
Tằng hướng tiêu phòng khoa yểu điệu,
Khước lai sơn tự bạn không thiền.
Nghĩa là:
Phòng tiêu thuở trước từng khoe đẹp,
Chùa núi sau này tựa cảnh không.
Bài thơ ấy toan đem đi khắc bia để chôn trước mộ, nhưng sau lại thôi. Ta tiếc rằng không nhớ được toàn bài. Chú giải: Câu chuyện như sau: Huyền Quang là một vị thiền sư đắc đạo. Năm ông 60 tuổi, vua Anh tôn sai nàng Điểm Bích đến thử ông. Điểm Bích là một cung nhân. Thị Bích đến chùa, xin ở lại tu hành, tối tìm cách chọc ghẹo ông, nhưng không được. Cuối cùng, nghĩ ra kế lấy được nén vàng nhà vua ban cho ông, rồi trở về tâu đã cám dỗ được ông. Sau mới biết được sự thật. Sách Tam tổ đạo lục có chép bài thơ nôm nàng Điểm Bích (8) làm ghẹo ông:
Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngân sinh.
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ
Mâu thích ca nào thuở hữu tình?
*
Sài Gòn, tháng 8-2010
Đỗ Ngọc Thạch
----
Chú thích:
(*)Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ: bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến(*1). Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nghiên cứu giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh liên kết xuất bản, in lại năm 1989.
(*1) Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941), hiệu Đông Châu. Quê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), ông xuất thân từ Nho học. Phần lớn công trình nghiên cứu của ông đều công bố trên Tạp chí Nam Phong trước khi in thành sách. Các công trình của ông là những chuyên luận về lịch sử, địa lý, phong tục, luân lý, tôn giáo và văn chương Việt Nam và Trung Quốc, bước đầu nghiên cứu các tác gia Việt Nam: Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê (Nam Phong, 1929). Bản dịch Vũ trung tùy bút đăng trên Nam Phong tạp chí (1927-1928).
(**)Tang thương ngẫu lục (ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu) là tập ký bằng chữ Hán do đôi bạn thân là Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (**1) cùng hợp soạn vào khoảng Lê mạt-Nguyễn sơ, tức khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.
Bài Tựa in ở đầu tập Tang thương ngẫu lụccho biết bởi những cuộc tang thương, khiến người ta tất có cái cảm khái tang thương, ấy tập sách Tang thương này sỡ dĩ có là vì thế đó. Và theo Trúc Khê, cũng vì chép nhiều chuyện biến thiên của hồi ấy (cuối Lê), cho nên có cái tên sách làTang thương ngẫu lục, nghĩa là những câu chuyện ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu. Năm 1943, nhà xuất bản Tân Dân cho in Tang thương ngẫu lục, bản tiếng Việt do nhà văn Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch.
Bàn về ý nghĩa tập Tang thương Ngẫu lục, bài Tựa (Phùng Dực Bằng Sô viết năm 1896)viết:
Từ Lý, Trần, Lê, Trịnh đến nay, trên dưới mấy trăm năm có những điều quốc sử chưa ghi, dã sử chưa chép; hai ông đều thu cả vào trong cõi mắt tang thương. Nếu hai ông hết thẩy đều cho là việc tang thương mà quên đi, thì những chuyện ấy phỏng được mấy lâu mà mai một đi mất. May mà lấy ngòi bút tang thương biên chép, nên nó mới còn là cánh bè chở bến mê, ngọn đèn soi nhà tối; đặt tên là Tang thương ngẫu lục, ý nghĩa có thể nhận biết được vậy.
Tang thương ngẫu lục là tập ký mang nặng tính chất truyền kỳ. Trừ một số ít truyện nói về các đời trước, còn đa phần đều viết về thời Lê mạt. Sách được chia làm 2 quyển: quyển Thượng có 40 bài, quyển Hạ có 49 bài (không kể bài Thơ đề sau của người khác). Có một số bài ghi mỗi tên tác giả. Căn cứ theo bản in năm 2000 do NXB Văn hóa-Thông tin in lại theo bản của NXB Tân Dân (1943), thì:
Ở quyển Thượng có 13 bài và ở quyển Hạ có 19 bài đề tên Kính Phủ, tức Nguyễn Án. Ở quyển Thượng có 10 bài và ở quyển Hạ có 23 bài đề tên Tùng Niên, tức Phạm Đình Hổ. Số bài còn lại không đề tên, nên không rõ của ai hay do hai ông cùng hợp soạn.
Căn cứ nội dung từng truyện, có thể xếp chúng thành 5 đề tài sau: 1.Tiểu truyện các danh nhân: Nguyễn Duy Thời, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, v.v…2.Thắng cảnh: Bài ký chơi núi Phật Tích (Chùa Thầy), núi Dục Thúy, v.v…3.Di tích: Bia núi Thành Nam, Tháp chùa Báo Thiên, Thành cũ Trào Khẩu, Miếu Thanh Cẩm, Cái miếu cổ ở cử Đông Hoa,v.v…4.Việc cuối đời Lê: Chuyện cũ trong phủ chúa, Thi Hội, v.v…5.Chuyện hay, chuyện lạ: Thần Tôn hoàng đế, Hiển Tôn hoàng đế, Chuyện Nguyễn Duy Thời, Hồ Gươm, Nguyễn Văn Giai, Người nông phu ở Như Kinh, Người nông phu ở An Mô, Ma Đồng Xuân, Ông Nguyễn Bá Dương, Thành Đạo Tử, Mẹ ranh càn sát, v.v...
Sau cuối tập Tang thương ngẫu lục có bài thơ đề vịnh do Phó bảng khoa Canh Thìn Quang Lộc tự Thiếu khanh Đồng Giang Phạm Văn Tâm viết vào tháng Trọng thu năm Bính Thân (1896) niên hiệu Thành Thái, bài thơ như sau:
Phiên âm Hán-Việt
Tọa sách hưng vong nhất thảng hiên / Vô cùng nhân thế nại hà thiên
Trịnh Lê tự tác ly cao giải / Nhạc Huệ tranh khoa đắc hủ diên
Thiết sỉ Ô nam Bằng quận Kiếm / Thương tâm Yên bắc Mũ đồng chuyên
Na kham độc cánh Tang thương truyện / Thử nhật hoàn kim hựu bách niên.
Trúc Khê dịch:
Nghĩ cuộc hưng vong luống ngậm ngùi
Khôn đem thế sự hỏi ông giời
Trịnh Lê cua để lìa mai cứng
Nhạc Huệ diều khoe được miếng hôi
Tím ruột quận Bằng gươm Huế sắc
Đau lòng bồi ngựa gạch Yên tơi
Tang thương truyện đọc buồn sao xiết
Lại một trăm năm cách đấy rồi.
(**1): Nguyễn Án: (1770-1815): là danh sĩ sống cuối đời Lê mạt, đầu nhà Nguyễn; tựKính Phủ, hiệu Ngu Hồ. Quê ở làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Nguyễn Án xuất thân Khoa bảng, là người thông minh hiếu học, nhưng lớn lên giữa thời ly loạn, việc học hành lỡ dở. Ông đã sống những năm tháng gần như ẩn dật ở đất Thăng Long, trú ngụ trên mảnh đất thuê của người khác và mưu sinh một cách vất vả bằng nghề dạy học, làm thuốc, tìm niềm an ủi ở thiên nhiên và những người bạn văn chương.. Năm Gia Long thứ 4 (1805), lúc đã 35 tuổi, do được tiến cử, ông được bổ làm Tri huyện Phù Dung (nay là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên), nhưng chỉ được một năm, ông lấy cớ có việc riêng xin từ quan. Năm Đinh Mão (1807), nhà Nguyễn mở khoa thi Hương đầu tiên ở Bắc Thành, ông đỗ Cử nhân tại trường thi Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), sau nhập chung với Trường Thăng Long, rồi lại ra làm Tri huyện Tiên Minh, tỉnh Kiến An (nay là huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng).
Tác phẩm Nguyễn Án còn lại gồm: Phong Lâm minh lãi thi tập(Tập thơ Tiếng kêu của gió thổi qua rừng):Tập thơ gồm 75 bài thơ, phần lớn là thơ đề vịnh cảnh, thơ cảm hoài và tiễn tặng bạn bè. Hiện còn bản chép tay ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), số hiệu: A. 1201.
Về văn, ngoàiTang thương ngẫu lục (hợp soạn với Phạm Đình Hổ), ông còn viết lời tựa cho tập thơ Đông dã học ngôn thi tậpcủa Phạm Đình Hổ, thể hiện quan niệm của mình về thơ.
Tác phẩm Tang thương ngẫu lục gồm 90 thiên, chia làm 2 quyển: quyển thượng 40 bài, quyển hạ 50 bài. Mỗi bài đều có tên tựa của tác giả hoặc Tùng Niên (Phạm Đình Hổ) hoặc Kính Phủ (Nguyễn Án).Trong đó có 32 thiên được ghi rõ tác giả là Kính Phủ.
(***) Thơ Phạm Đình Hổ, bên cạnh những bài viết về cái nghèo khổ, cái bất đắc chí của mình; về tình cảm bạn bè, cảm quan lịch sử...còn có một số bài viết về các thiếu nữ trẻ trung, ngây thơ khá độc đáo như bài Hoài cổ:
Khứ tuế đào hoa phát, / Lân nữ sơ học kê.
Kim tuế đào hoa phát, / Dĩ giá lân gia tê (tây).
Khứ tuế đào hoa phát, / Xuân phong hà thê thê.
Lân nữ đối hoa khấp, / Sầu thâm mi chuyển đê.
Kim tuế đào hoa phát, / Xuân thảo hà thê thê.
Lân nữ đối hoa tiếu, / Ngâm thành thủ tự đề.
Cảm nhớ chuyện cũ
Năm ngoái hoa đào nở,
Cô gái láng giềng mới học cài trâm,
Năm nay hoa đào nở,
Cô đã lấy chồng ở nhà láng giềng phía tây.
Năm ngoái hoa đào nở,
Gió xuân sao lành lành,
Đứng trước hoa cô gái láng giềng khóc,
Buồn quá đôi lông mày sa xuống.
Năm nay hoa đào nở,
Cỏ xuân sao mà xanh tươi.
Đứng trước hoa cô gái láng giềng tươi cười
Thơ làm xong tự tay cô viết lấy.
(1)Lễ Ký: Kinh Lễ hay còn gọi là Lễ ký là một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, tương truyền do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến quốc viết, ghi chép các lễ nghi thời trước. Học giả thời Hán là Đới Đức đã dựa vào bản do Lưu Hướng thu thập gồm 130 thiên rồi tổng hợp giản hoá còn 85 thiên gọi là Đại Đới Lễ ký, sau đó cháu Đới Đức là Đới Thánh lại đơn giản hoá Đại Đới Lễ ký còn 46 thiên, thêm vào các thiên Nguyệt lệnh, Minh Đường vị và Nhạc ký, tổng cộng là 49 thiên, được gọi là Tiểu Đới Lễ ký. Đại Đới Lễ ký đến thời Tuỳ, Đường bị thất lạc quá nửa, hiện nay chỉ còn 39 thiên, do đó Tiểu Đới Lễ ký là bản Kinh Lễ thông dụng hiện nay.
Toàn bộ Kinh Lễ được viết bằng tản văn, không chỉ miêu tả chế độ lễ nghi đương thời mà còn giáo dục về nhân nghĩa, đạo đức, ngoài ra có giá trị về văn học rất lớn. Đại Học vàTrung Dung, hai cuốn sách kinh điển của Nho giáo, chính là hai thiên trong Kinh Lễ. Khổng Tử hiệu đính lại Kinh Lễ mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự. Khổng Tử nói: "Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời" (sách Luận Ngữ).
(2) Thúc Tôn Thông: Lã hậu hay Lữ hậu (241-180 TCN), là hoàng hậu đầu tiên đời nhà Hán - vợ Hán Cao Tổ Lưu Bang. Lã hậu có tên Lã Trĩ, sinh ra Thái tử Lưu Doanh (sau khi Lưu Bang chết thì lên ngôi vua gọi là Hán Huệ Đế) và công chúa Lỗ Nguyên. Khi Lưu Doanh làm thái tử, Thúc Tôn Thông làm Thái phó.
(3) Thích phu nhân: Ngoài Hoàng hậu Lã Trĩ (còn gọi là Lã Hậu), Lưu Bang còn nhiều vợ khác, trong đó có Thích phu nhân rất được yêu, sinh được hoàng tử Như Ý.
Sau khi Lưu Bang chết, Lã hậu sai người mang thuốc độc đến cho Như Ý uống. Như Ý uống xong thì chết ngay. Lã Hậu lại sai chặt chân tay Thích phu nhân, móc mắt, đốt tai, cho uống thuốc thành câm, quẳng vào chuồng lợn gọi đó là "con người lợn".
(4) Bá Di là con vua nước Cô Trúc - quốc gia chư hầu nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông cùng người em là Thúc Tề nổi tiếng vì sự trung thành với nhà Thương bị nhà Chu tiêu diệt. Bá Di là con trai lớn nhất của Á Vi - vua nước Cô Trúc thời vua Trụ nhà Thương. Vua cha muốn lập người em thứ 3 là Thúc Tề. Sau khi cha mất, Thúc Tề nhường lại ngôi vua cho Bá Di nhưng ông không nhận, nói rằng phải theo mệnh lệnh của cha và bỏ trốn. Thúc Tề thấy ông bỏ khỏi nước Cô Trúc cũng đi theo ông. Người trong nước bèn lập Á Bằng - người em của Bá Di và anh của Thúc Tề lên ngôi.
Nghe tin Tây Bá Cơ Xương (4*)là người trọng đãi hiền sĩ, anh em Bá Di tìm đến. Nhưng khi hai người đến nơi thì Cơ Xương đã qua đời, con là Cơ Phát lên thay, mang quân đánh vua Trụ tàn bạo. Bá Di cùng em đến trước ngựa của Cơ Phát can rằng: “Cha chết không chôn lại gây việc can qua có thể gọi là hiếu không? Là bầy tôi giết vua có thể gọi là nhân không?”. Cơ Phát không nghe. Những người hộ vệ của Cơ Phát định giết anh em Bá Di nhưng Khương Tử Nha (4**) ngăn lại và đỡ anh em ông dậy và cho đi nơi khác.
Cơ Phát mang đại quân cùng các chư hầu đánh vua Trụ. Vì Trụ tàn bạo mất lòng người nên bị đại bại ở trận Mục Dã, tự thiêu mà chết. Cơ Phát lên ngôi thiên tử, lập ra nhà Chu, tức là Chu Vũ Vương. Các chư hầu đều tôn thờ nhà Chu. Riêng Bá Di và Thúc Tề xấu hổ về việc đã can ngăn vua Chu diệt bạo chúa, bèn cùng nhau thề không ăn thóc nhà Chu. Bá Di và Thúc Tề lên núi Thú Dương, hái rau vi ăn qua bữa. Rau vi không thể nuôi sống được, cuối cùng ông và Thúc Tề đều chết đói tại núi Thú Dương. Trước khi qua đời, Bá Di và Thúc Tề làm bài ca: Lên núi Tây chừ hái rau vi, / Lấy bạo đổi bạo chừ có hay chi?/ Thần Nông, Ngu, Hạ chìm cả rồi, ta biết nơi nào đi?. Đời sau thường dùng hình ảnh Di, Tề để nói về việc đi ở ẩn.
(4*) Tây Bá Cơ Xương: Chu Văn Vương (1090 TCN - 1050 TCN), họ Cơ, tên Xương, người đất U (nay thuộc ấp Tuần, huyện Bân, tỉnh Thiểm Tây), là người đã xây nền móng triều đại nhà Chu Trung Quốc.
Khi cha Cơ Xương là Cơ Quý Lịch còn ở ngôi, Chu chỉ là một nước nhỏ thuộc vương triều nhà Thương.Quý Lịch từng dẫn người tộc Chu từ sông Vị Thuỷ xuống xây thành Cư Ấp ở Chu Nguyên, phía tây nam núi Kỳ Sơn, gây dựng cơ sở tiến về phía Đông.Về sau, Quý Lịch bị vua nhà Thương giết hại, Cơ Xương nối ngôi cha làm tước bá, gọi là Tây Bá Cơ Xương.
(4**) Khương Tử Nha: Tề Thái Công, tên thật là Khương Thượng tự là Tử Nha, nên thường được gọi là Khương Tử Nha, là công thần khai quốc nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là vua khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Khương Tử Nha được biết đến như một vị tướng tài vĩ đại và là người góp phần lập lên sự nghiệp nhà Chu kéo dài hơn 800 năm, là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Khương Thượng là người ở Đông Hải. Tổ tiên ông từng làm chức Tứ nhạc giúp vua Hạ Vũ trị thủy có công. Sử ký xác định tổ tiên ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó lấy Lã làm họ. Ông còn được dân gian và các nhà nghiên cứu lịch sử gọi bằng nhiều tên khác như: Khương Thái Công;Thái Công Vọng, Lã Vọng.
Sang thời nhà Thương, vì Lã Thượng là con cháu chi thứ nên dần dần trở thành dân thường. Vì nhà nghèo, Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá ở sông Vị.Thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn, gặp Khương Thượng đang câu cá phía bắc sông Vị. Cơ Xương nói chuyện với ông rất hài lòng, ngưỡng mộ tài năng của ông. Cơ Xương nhớ lời tổ tiên là Thái Công dặn rằng sẽ có vị thánh đến nước Chu, giúp Chu hưng thịnh, ứng với quẻ bói trước khi đi săn. Do đó Cơ Xương quả quyết Khương Thượng chính là người Thái Công mong đợi trước đây và tôn ông làm Thái Công Vọng (nghĩa là người mà [Chu] Thái Công mong đợi), đón lên xe về cung và tôn ông làm thầy.
(5) Kê Khang : Kê Khang (233-262): tên Thúc Dạ, người đời Tấn, ở đất Trất (nay thuộc huyện Túc, tỉnh An Huy). Dòng họ Hề, lánh nạn đến Kê Sơn, do đó tự đặt hiệu là Kê Khang.
Trên đồ sứ Trung Hoa, ta thường thấy vẽ 7 ông cụ già ngồi trong rừng tre, kẻ đánh cờ, gẩy đàn, người uống rượu ngâm thơ. Đó là hình ảnh của Trúc Lâm Thất Hiền (5*) đời nhà Ngụy (220-264). Kê Khang là một trong bảy người hiền này, ông nổi tiếng bởi Khúc nhạcQuảng Lăng của mình.
Kê Khang là một người có khí tiết cao khiết giàu ḷng nghĩa hiệp và cũng là người có biệt tài trong các môn cầm, kỳ, thi, họa ... Một điều lạ hơn hết là mặc dù có tài như thế, nhưng ông không học qua một thầy nào. Từ nhỏ chí lớn, ông cố công tự học, rèn luyện mà nên. Kê Khang cũng như 6 người bạn kia đều thích an nhàn dật lạc, say mê đạo Lão. Ông làm đến chức Trung Tán đại phu nhưng luôn luôn chê vua Thang, vua Võ, khinh Văn Vương và Khổng Tử. Kê Khang làm quan một thời gian rồi từ quan ở ẩn, để hưởng cảnh tiêu diêu lúc về già. Nhưng sau đó bị Tư Mã Chiêu giết hại.
Khi lâm hình Kê Khang vẫn ung dung gảy khúc Quảng Lăng tán. Ðàn xong nói: "Có kẻ xin học bài này, ta không dạy, thế là từ đây không ai còn đàn bài Quảng Lăng này nữa”! Nguyễn Du có bài thơ Kê Khang Cầm đài:
Cầm đài (5a) cổ tích ký Kê Khang / Nhân tử cầm vong đài diệc hoang
Văn vũ (5b) thất huyền chung tịch tịch / Đông tây lưỡng Tấn (5c)diệc mang mang
Chí kim bất hủ duy đồng tính / Thử hậu hà nhân đáo túy hương (5d)
Thán tức Quảng Lăng huyền tuyệt hậu / Tì bà tân phổ bán Hồ Khương (5e)
Dịch nghĩa:
Sách xưa ghi "Cầm đài" là của Kê Khang
Người chết, đàn mất, đài cũng bỏ hoang
Bảy dây văn vũ cuối cùng đã im bặt
Hai nước Đông Tấn, Tây Tấn cũng mất tăm
Đến nay cái bất hủ ở ông còn lại là tính trẻ con
Sau đó ai là người đến với làng say?
Than thở cho tiếng đàn Quảng Lăng nay đã thất truyền
Bài nhạc mới đàn tì bà, một nửa là theo điệu Hồ Khương.
(5a) Cầm đài: chỗ Kê Khang đánh đàn. Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: "Rằng nghe nổitiếng cầm đài / Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".
(5b) Dây đàn. Vũ là dây to, văn là dây nhỏ. Truyện Kiều có câu: "So dần dây vũ dây văn, Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương".
(5c) Tức Đông Tấn và Tây Tấn.
(5d)Làng say. Kê Khang là bạn thân với Lưu Linh, tác giả bài Tửu đức tụng .
(5e) Người Hồ, ở miền tây bắc Trung Quốc.
(5*)Trúc lâm thất hiền: Nhóm bảy người hiền trong rừng Trúc: 1/Nguyễn Tịch (210-263); 2/Kê Khang(223-263); 3/Lưu Linh (220-300); 4/Sơn Đào (205-283); 5/Hướng Tú (221-300); 6/Vương Nhung (234-305); 7/Nguyễn Hàm.
Trúc lâm thất hiền, bảy nhà thơ, nhà văn Trung Quốc sống thời kì cuối Ngụy đầu Tấn, thế kỉ thứ 3, ở ẩn trong rừng trúc, đánh đàn, uống rượu, ngâm thơ, bàn triết học Lão Trang, nói chuyện huyền viễn để tỏ lòng chống đối chế độ đen tối đương thời. Trong số đó, nổi tiếng nhất là Nguyễn Tịch và Kê Khang. Nguyễn Tịch (210 - 263) có 82 bài "Vịnh hoài thi" nói lên nỗi bất mãn của ông trước hiện thực và nỗi lo lắng buồn thương cho cuộc đời, nhưng lời lẽ rất kín đáo. Ông "dùng khí mà làm thơ" (Lưu Hiệp), cho nên "khó biết ông nói gì", người đọc chỉ phỏng đoán. Bài "Đại nhân tiên sinh truyện" là một bài ca, nhà thơ dùng hình tượng "Đại nhân tiên sinh" để tả tâm tình bi quan, tuyệt vọng của mình trước "ngày cuối cùng", "vũ trụ tan vỡ", không tránh được. Nguyễn Tịch có cặp mắt rất đặc biệt, khi vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt xanh, còn không vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt trắng. Khi mẹ Nguyễn Tịch mất, ông Kê Hỷ mang đồ lễ đến viếng, Nguyễn Tịch tiếp nhìn với đôi mắt trắng dã. Hỷ ra về mà bụng không bằng lòng. Em của Kê Hỷ là Kê Khang nghe biết chuyện đó, mới mang rượu và cắp đàn đến, thì Tịch rất vui, vừa ý lắm, tiếp Kê Khang với đôi mắt xanh. Kê Khang (223 - 263) sở trường về tản văn, tác phẩm nhuốm màu sắc Lão Trang rất đậm, nhưng tâm tình phẫn nộ, bất bình bộc lộ khá rõ. Tính ông lại cương trực, "quá thanh cao" nên cuối cùng ông bị họ Tư Mã giết hại. Cả hai ông đều nhất trí phủ định lễ giáo của Nho gia, vì họ Tư Mã và bọn tay sai lợi dụng thứ Nho giáo này chuẩn bị lấy hình thức "vua nhường ngôi" che đậy việc tiếm quyền. Ngoài ra, Lưu Linh cũng sống phóng túng, ngạo mạn, có bài "Tửu đức tụng" được lưu truyền.
(6)Lý Đạo Tái: Pháp hiệulà Huyền Quang (1254-1334), người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Nay là làng Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Học giỏi, đỗ cả thi hương, thi hội. Ông đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi năm 1272 (hay 1274?) và được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, tiếp sư Bắc triều, nổi tiếng văn thơ. Sau này từ chức đi tu, theo Trần Nhân Tông lên Trúc Lâm. Là một Thiền sư Việt Nam, tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông (1*) và Pháp Loa (1**) ông được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam. Theo sách Tam tổ thực lục (1***), mẹ của Huyền Quang là Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm Giáp Dần 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy "các tòa trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa”. Năm ấy Lê Thị sinh Huyền Quang. Lớn lên Sư dung mạo dị thường, làm quan đến chức Hàn Lâm.
Một hôm, Sư cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, liền nhớ lại "duyên xưa", xin xuất gia thụ giáo (có tài liệu nói Sư thụ giáo với Bảo Phác ở chùa Vũ Ninh). Sư được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang.
Sau, Sư theo lời phó chúc của Trúc Lâm trụ trì chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên) trên núi Yên Tử. Vì đa văn bác học, tinh thông đạo lí nên tăng chúng đua nhau đến học. Niên hiệu Đại Khánh thứ 4 (1317), Sư được Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa tịch (1330), Sư kế thừa làm Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm nhưng vì tuổi đã cao nên Sư giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm. Sư đến trụ trì Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hoá. Ngày 23 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334), Sư viên tịch, thọ 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.
Huyền Quang là một nhà thơ lớn, sau đây là hai bài thơ tiêu biểu của Sư:
Cúc hoa
Vong thân vong thế dĩ đô vong / Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật / Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.
Hoa cúc
Quên mình quên hết cuộc tang thương
Ngồi lặng đìu hiu mát cả giường
Năm cuối trong rừng không có lịch
Thấy hoa cúc nở biết trùng dương.
Sơn Vũ
Thu phong ngọ dạ phất thiền nha / Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ lữ thành thiền tâm nhất phiến / Cùng thanh tức tức vị thùy đa?
Mưa núi
Gió thu ban tối thổi hiên tây
Nhà núi đìu hiu tựa đám cây
Tấc dạ tu hành từ những thuở
Dế kêu rầu rĩ bởi ai đây?
(6*) Trần Nhân Tông (1258-1308), tên thật là Trần Khâm là vị vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước Trần Anh Tông) trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi 15 năm (1278-1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Ông là người đã thành lập Thiền phái TrúcLâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điếu ngự. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam.
(6**) Thiền sư Pháp Loa (1284-1330): Là Tổ thứ hai dòng Trúc Lâm; tên tục là Ðồng Kiên Cương. Năm 1305, ông được Trúc Lâm cho thọ giới Tỳ Khưu và Bồ Tát, và cho hiệu là PhápLoa. Năm 1306, ông được lập làm giảng chủ chùa Báo Ân. Năm 1307 cùng với 6 vị đệ tử khác của Trúc Lâm, ông được Trúc Lâm dạy cho bộ Ðại Tuệ Ngữ Lục trên am Quán Trú. Tháng năm năm đó, trên am Ðình Trú, vào ngày rằm, ông được Trúc Lâm trao y bát và tâm kệ. Như vậy là ông được đắc pháp chỉ sau hơn 3 năm tu học. Mồng một tết năm Mậu thân (1308) ông được chính thức làm trụ trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại, và được giao cho chức vụ Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Pháp Loa mất năm 1330, thọ 47 tuổi.
(6***) Tam Tổ thực lục: Truyện về 3 vị sư tổ dòng thiền Trúc lâm Việt Nam đời Trần: Trần NhânTông, Pháp Loa, Huyền Quang. Sách tập hợp bài viết từ đời Trần, do 2 nhà sư Quảng Điền và Hải Lượng ở chùa Lân Động, Yên Tử soạn năm 1765. Bài thứ nhất trích từ sách "Thánhđăng lục" (còn gọi là "Thánh đăng ngữ lục"), không rõ tác giả. Bài thứ hai sao lại tấm bia dựng năm 1685, ở chùa Hương Hải, quê hương Pháp Loa ("Đệ nhị đại tổ bi trùng tu sự tích kí"). Bài thứ ba ("Tổ gia thực lục") sáng tác đời Trần, bị thất lạc, giữa thế kỉ 16 mới tìm được. Có một phần đề là "Thiền đạo yếu lược", ghi một số đoạn ngữ lục của Pháp Loa. Cách viết 3 truyện không thống nhất. Truyện Huyền Quang giống truyện truyền kì, có nhiều tình tiết nửa thực nửa hư.
(7) Nguyễn Hoàn: Với chức trách đứng đầu Quốc sử viện cuối đời Lê, cùng với Lê Quý Đôn, Vũ Miên, Ngô Thời Sĩ…soạn Đại Việt sử ký tục biên và Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (Lịch sử VN giai đoạn từ 1676 đến 1789). Đây là những tư liệu lịch sử quí giá trong giai đoạn này. Cuốn Đại Việt lịch triều đăng khoa lục được coi là công trình chính thức của triều Lê, bởi công trình đó không những cho chúng ta biết những người đỗ đại khoa của triều Lê mà cũng sưu tầm được cả các tiến sĩ của triều Mạc.
Sau này ông làm đến chức Nhập thị Tham tụng, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Lễ bộ sự Hữu tư giảng, Tri Quốc Tử Giám, Tri Hàn lâm viện sự (1774) kiêm Quốc sử tổng tài. Năm 1777, khi ông đã 65 tuổi, theo lệ được về trí sĩ, thăng hàm Thái phó, tước Viện quận công. Chúa Trịnh Sâm vời ông đến tôn làm Quốc lão, xếp ông là một trong năm vị nguyên lão đại thần.
(8)Nguyễn Thị Điểm Bích : Có nhiều giai thoại xung quanh quan hệ của nàng Điểm Bích với Thiền Sư Huyền Quang, chỉ khác đoạn kể của Phạm Đình Hổ chút ít, riêng bài thơ thì không có sai khác. Chẳng hạn như đoạn kể chuyện về Nàng Điểm Bích sau:
Nguyễn Thị Điểm Bích, tên tự Tam Nương, người làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, lộ Hồng Châu (Hải Hưng). Không ai rõ năm sinh, năm mất của bà… Điểm Bích lớn lên trong một gia đình của bố mẹ nuôi, vốn là một hào phú trong làng, họ Lý. Cả hai ông bà đều nhân từ, rất thương người, lại thấy cô con nuôi hiền thục nết na và sáng dạ, Lý ông bèn thuê thầy đến nhà dạy cho cô biết chữ thánh hiền. Chỉ trong thời gian ngắn, cô Điểm Bích đã trở thành một thiếu nữ duyên dáng và có học vấn. Sẵn có sắc đẹp, cô được tiến làm cung nhân cho vua Trần Anh Tông (1293 - 1314). Là một cung nữ rất thông minh, có tài xuất khẩu thành chương, đặc biệt giỏi thơ quốc âm, ứng đối lưu loát; cô được vua Trần Anh Tông giao cho nhiệm vụ lên Yên Tử để thử thách đạo hạnh thiền sư Huyền Quang tức danh sĩ Lý Đạo Tái, sau này ông là vị tổ thứ 3 của phái thiền Trúc Lâm.
Trải đã dài ngày, bày hết kế nhưng không lung lạc được nhà sư Huyền Quang. Sau cùng, Điểm Bích nghĩ cách oán than gia cảnh túng quẫn, mà cha già đang bệnh nặng… Nàng cố than thở cốt lấy cho được đồng vàng Kim Tử do nhà vua đã ban cho thiền sư. Muốn chắc hơn, Điểm Bích còn nghĩ cách tự đặt bốn câu thơ lơi lả trăng hoa (chữ nôm) với ý đồ gán cho nhà sư là tác giả. Liền đó cô quay về cung tâu vua, dâng Kim Tử và trình bài thơ ấy:
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngân sinh
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ
Mâu Thích ca nào thuở hữu tình.
Xét kĩ bài thơ ấy thì rõ ràng nhà sư Huyền Quang đã bị dao động trước nhan sắc của nàng Điểm Bích. Vua giận truyền đòi nhà sư về hạch tội. Nhưng khi nhà sư sắp bị phạt trượng (đánh bằng gậy) thì có dân làng gần chùa kéo nhau đến quì lạy minh chứng, bởi họ chỉ vì vô tình mà biết rõ được chuyện oan ức này ngay từ đầu. Nhà vua cho thẩm tra lại, biết sư Huyền Quang bị oan, cho về chùa Yên Tử tiếp tục làm phận sự tu hành. Còn cung nhân Điểm Bích bị phạt giáng xuống làm thị nữ quét chùa trong cung Cảnh Linh.
Tương truyền từ đấy nàng Điểm Bích hối hận, thường đặt thơ theo lối kể hạnh để răn đời. Vì thời đó phần nhiều là thơ xuất khẩu nên sớm bị thất truyền. (Hết)
Đỗ Ngọc Thạch
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét