Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích:




Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch 

Trích đăng: Chuyến vi hành cuối năm; Kim ngân điền
  1. Đỗ Ngọc Thạch - văn học & nghệ thuật

    www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action...id...
    Đỗ Ngọc Thạch ... Kiếm sống (truyện ngắn). Kiếm Sống 2 (truyện ngắn). Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn). Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn). Làng nói trạng (truyện ngắn) ...
  2. Tứ Tuyệt Mùa Thu - Đỗ Ngọc Thạch | Blog | Tamtay.vn

    blog.tamtay.vn/entry/view/.../Tu-Tuyet-Mua-Thu-Do-Ngoc-Thach.ht...
    21-08-2012 – Tứ đại đồng đường - Đỗ Ngọc Thạch (elib.quancoconline.com) · Chuyện tình đồi ... ...đọc lại Vũ Trung Tuỳ Bút - Đỗ Ngọc Thạch · Hai lần Bác sĩ ...

    1. Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới » Đỗ Ngọc Thạch

      damau.org/archives/author/dongocthach
      18-12-2009 – Đỗ Ngọc Thạch. Cuộc sống gia đình của hai vợ chồng Trần Tương và Lệ Nương có không ít những va chạm đầy kịch tính, không khác gì ...
    2. Đỗ Ngọc Thạch - Kiếm sống | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

      nhavantphcm.com.vn/tac-pham.../do-ngoc-thach-kiem-song.html
      16-05-2011 – TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ NGỌC THẠCH. NVTPHCM- Có ngàn lẻ một cách kiếm sống, từ nhọc nhằn cho đến nhàn hạ. Không ai có thể lựa ...
    3. Bài viết nổi bật của Đỗ Ngọc Thạch - YuMe.vn

      yume.vn/dongocthach18/article/bai-viet-noi-bat?p=22
      YuMe.vn - Danh sách bài viết nổi bật của Đỗ Ngọc Thạch, đọc bài viết của Đỗ Ngọc Thạch và bình luận.
      1. BA LẦN THOÁT HIỂM - Đỗ Ngọc Thạch - trung tâm thông tin tiêu ...

        phongdiep.net › HomeNội dung website
        BA LẦN THOÁT HIỂM - Đỗ Ngọc Thạch. BA LẦN THOÁT HIỂM. Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch. Năm 1961, tôi học lớp Năm ở trường Phổ thông cấp 2-3 ...
      2. ĐỖ NGỌC THẠCH - Newvietart

        newvietart.com/DONGOCTHACH_saigon.html
      3. ĐỖ NGỌC THẠCH - Hội Nhà văn TP.HCM

        nhavantphcm.com.vn/dỗ-ngoc-thach-nha-van-thu-vien.html

Đỗ Ngọc Thạch - Vandanviet.net - Dien Dan Van Hoc Viet Nam

vandanvn.net › Bản tinTác giả

CHUYẾN VI HÀNH CUỐI NĂM

ĐỖ NGỌC THẠCH


Chỉ còn hơn hai ngày nữa là hết năm 2009. Phải chia tay với năm 2009 thì thật là buồn vì đây là năm có nhiều điều thú vị. Song, dù muốn hay không thì vẫn phải chia tay! Vì thế, trong những ngày cuối năm này, tôi ngồi lưu vào Bộ nhớ những gì thích thú nhất!...
Chuông điện thoại cắt ngang những dòng ký ức ào ạt bay về! Thì ra người gọi điện thoại là một người bạn cũ, giờ đã là quan chức đứng đầu hàng Tỉnh ở Miền Bắc. Người bạn này muốn làm một cuộc Vi hành ở Miền Nam và muốn nhân cuộc hội ngộ với bạn cũ, nhờ tôi làm người dẫn đường! Tôi bảo, sao không Vi hành ở Miền Bắc là địa bàn quen thuộc mà lại đến vùng đất lạ, thì ông ta không trả lời ngay mà nói lấp lửng kiểu “Hạ hồi phân giải”!
Kế hoạch chuyến Vi hành của chúng tôi chỉ là hai ngày, ngày 29 và 30 tháng 12 này. Khi đi, chúng tôi sẽ nhập vai người bán vé số dạo, bởi đây là công việc dễ nhập vai nhất và “Đạo cụ” hành nghề cũng gọn nhẹ nhất. Và để trao đổi trong lúc Vi hành , ông bạn tôi sẽ mang tên Vi, còn lại chữ Hành là tên tôi. Và để cho “Công bằng”, một thuật ngữ có tần số xuất hiện rất lớn trong đời sống, chúng tôi, mỗi người sẽ được chọn ba điểm đến, luân phiên nhau.
Vi chọn trước, điểm đến là Chợ , và chúng tôi vào chợ Tân Hương. Vi bảo, đến chợ ta sẽ được tiếp xúc với đủ các loại người trong xã hội và nhìn vào cái chợ, ta cũng sẽ thấy được phần nào bản sắc văn hóa của một vùng đất! Tôi nghĩ thầm, vào chợ sẽ gặp nhiều nhất là bọn trộm cắp và kẻ lừa đảo! Quả nhiên, chỉ sau mười phút len lỏi qua các sạp hàng, Vi ghé tai tôi nói nhỏ: “Bọn móc túi đã lấy mất cái bóp tôi để ở túi quần sau rồi! Tiền thì không có nhưng có nhiều giấy tờ quan trọng, trong đó có những giấy tờ chứng nhận thân phận thật của tôi!”. Tôi nói: “Thế thì không sao, các thứ giấy tờ đó sau này làm lại dễ ợt! Còn trong lúc Vi hành, không nên bộc lộ thân phận! Phải nhập cuộc trăm phần trăm thì mới đạt hiệu quả cao nhất!”. Tuy Vi không nói gì nhưng chốc chốc lại thấy ông ta sờ vào cái túi quần nơi vừa mất cái bóp thì đủ biết ông ta “tiếc của” lắm!
Đi lòng vòng một hồi, chúng tôi đã bán được một nửa số vé số mang theo và chứng kiến khá nhiều cảnh đời trái ngang! Đáng buồn nhất vẫn là cảnh tranh chấp, cãi lộn nhau chỉ vì mấy đồng bạc, thậm chí người ta còn muốn “ăn thua đủ” với đối phương! Và cuối cùng thì một cuộc ẩu đả rất quyết liệt tới mức muốn lấy mạng nhau đã diễn ra ngay trước mắt chúng tôi! Thực ra thì khi diễn ra cuộc ẩu đả, chúng tôi không thể nhìn thấy vì một đám người bao quanh những người ẩu đả. Chỉ khi đám đông tản ra, bỏ mặc hai người, một già một trẻ, đều là nữ, nằm bất động trên mặt đất, thì chúng tôi mới nhìn thấy cái kết cục của nó! Như một phản xạ tự nhiên, Vi chạy đi gọi hai cái xích lô rồi chúng tôi mỗi người dìu một nạn nhân lên xích lô, nói chở đến Bệnh viện!...
Bệnh viện sẽ là điểm đến thứ hai mà tôi sẽ lựa chọn, cho nên đây quả là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà rất thuận tiện. Vì thế, Vi và tôi đã đưa hai nạn nhân tới phòng cấp cứu và làm đầy đủ mọi thủ tục cần thiết để hai người này nhập viện. Đó là hai mẹ con, đều là người buôn bán trái cây trong chợ. Vết thương tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng phải làm khá nhiều việc như: khâu những vết rách ngoài da, nối xương tay, xương chân!...
Sau khi chia tay hai mẹ con người bán trái cây, Vi và tôi đi một vòng tới tất cả các phòng bệnh. Ấn tượng mạnh nhất đối với Vi là cảnh tượng lôi thôi, lếch thếch của những người nhà bệnh nhân đến bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân, họ sống vạ vật ở các hành lang phòng điều trị, không khác gì dân tị nạn ở Trung Đông hoặc các vùng bị thiên tai lớn trên thế giới mà chúng ta vẫn thấy hàng ngày trên ti vi. Bộ mặt của họ đau khổ, nhàu nát còn hơn chính cả những người bệnh. Vi thường gạn hỏi những người này nào là bệnh gì, nặng hay nhẹ, nằm viện bao lâu rồi… nhưng thường là một kết quả rất bi hài: sau khi trả lời vài câu hỏi của Vi (theo phản xạ tự nhiên), họ bỗng tròn mắt nhìn Vi bằng cái nhìn nghi ngờ rồi la toáng lên: “Hỏi gì mà hỏi nhiều thế? Tính chuyện lừa đảo hả? Cút ngay!”! Vi định giải thích này nọ nhưng tôi vội kéo tay Vi mà nói: Tẩu vi thượng sách! Đây có phải là phòng họp của Ủy ban ND Tỉnh đâu mà giải thích, mà “Thanh Minh, Thanh Nga”!...Như là “bệnh nghề nghiệp”, vừa bị đuổi té tát như thế, nhưng khi tới phòng bệnh khác, Vi lại sà vào “hỏi thăm” để rồi lại phải nhờ tôi tới giải cứu bằng chiêu thức “tẩu vi thượng sách”!
Vì tôi đã từng sống trong một gia đình cả bố và mẹ và vợ đều làm việc nghề Y, đều từng làm việc trong đủ các kiểu Bệnh viện, nên những cảnh tượng bi hài tới mức nào của “cái xã hội bệnh tật và chết chóc” đó tôi đều đã “mục kích sở thị”, vậy mà lần Vi hành này cũng có không ít chuyện tôi mới thấy lần đầu!...
Nhà hàng là điểm đến thứ ba mà Vi đã chọn, kết thúc ngày Vi hành thứ nhất. Việc Vi hành vào nhà hàng thực ra không cần thiết vì cả Vi và tôi đều đã quá rành mấy cái “Tổ con chuồn chuồn” này. Song, khi chúng tôi đang “lớ ngớ” đi bách bộ trên đường Ngô Thì Nhậm thì bị mấy “em gái” dẫn dụ vào tận “Thâm cung” từ lúc nào không hay!...
Ngày thứ hai trong kế hoạch Vi hành, tức ngày 30 tháng 12, chúng tôi dự định sẽ tới một Trường Đại học, một trường Trung học Phổ thông và một Trường Mầm Non. Trường Mầm Non là do tôi chọn, còn hai loại trường kia là do Vi chọn. Nhưng sau khi nghĩ lại, tôi bảo: “Như thế có quá coi trọng ngành Giáo dục không? Sao không đổi việc tới trường Trung học PT bằng việc tới một nhà tù hay Trại giam nào đó? Đến Trường Đại học sẽ hình dung ra trường Trung học PT hoặc ngược lại!” Vi cho là phải nhưng lại hơi băn khoăn khi tôi nói đi Vi hành vào Nhà tù! Vi bảo, Vi hành vào nhà tù phải sắm vai tù nhân thì thật là khó, Nhất nhật tại tù, Thiên thu tại ngoại mà! Song, tôi bảo sắm vai người thăm nuôi tù nhân cũng có thể biết gần hết cuộc sống của xã hội nhà tù!...Thế là Vi nghe theo và ngày thứ hai, chúng tôi sẽ tới Trường Mầm Non vào buổi sáng, Trường Đại học vào buổi chiều và Nhà Giam vào buổi tối!...
Trước bảy giờ sáng, chúng tôi đứng trước cổng trường Mầm Non Chích Chòe. Giờ này là giờ cha mẹ các bé đưa con tới trường. Quang cảnh ở cổng trường thật là …Mầm Non: cha mẹ quyến luyến chia tay con cái, trao cả sinh mạng các con mình cho các cô giáo. Các cô giáo ân cần, vui vẻ nhận trách nhiệm “Mẹ hiền” như một lẽ tự nhiên!... Nhìn cơ ngơi, trường Mầm Non Chích Chòe khá khang trang, sạch đẹp. Đó là điều đầu tiên để những người cha, mẹ tin tưởng trao con cái mình cho trường, bởi không ai lại “Trao trứng cho Ác”!...Chúng tôi dự tính sau khi hết giờ đón trẻ, sẽ vào trong Trường với tư cách Nhà báo đi viết Phóng sự. Đang chuẩn bị “đồ nghề” máy ảnh, máy ghi âm thì có một cô giáo Mầm Non từ trong trường đi ra, tới ngay trước mặt Vi, nói nhỏ: “Ông có phải tên là Mại?”. Vi ngạc nhiên, trả lời: “Cô nhận nhầm người rồi, tôi không phải là Mại, mà là Vi, Phóng viên của báo Vì Trẻ Thơ, đang định vào Trường Chích Chòe của cô để viết bài đây!”. Cô giáo kia vẫn nhìn Vi chằm chằm và lại nói: “Tôi không thể nhìn nhầm được, ông chính là Mại, người cầm đầu một đường dây mua bán trẻ em ra nước ngoài bị ra Tòa cách đây năm năm! Ông mãn hạn tù rồi hay sao mà lại đến đây tiếp tục con đường tội lỗi!?”. Giờ thì Vi kinh ngạc hết sức, vội lấy giấy giới thiệu của báo Vì Trẻ Thơ ra đưa cho cô giáo kia. Nhưng cô giáo chỉ liếc qua, không buồn cầm giấy Giới thiệu mà nói dằn giọng: “Ông dẹp ngay cái trò lừa đảo này và biến lẹ không tôi báo Công An tới bắt bây giờ!”. Tôi cũng rất ngạc nhiên trước tình huống bất ngờ này và phán đoán: Rất có thể Vi có hình dạng giống tên Mại buôn trẻ em mà cô giáo này đã biết mặt năm năm trước đây ở một phiên tòa! Như vậy thì không thể giải thích gì được với cô giáo có tính cảnh giác rất cao này trước nạn mua bán trẻ em! Tôi bèn lại kéo Vi rút nhanh khỏi tình huống “Oan Thị Kính” đó!...
Không vào được trường Mầm Non Chích Chòe, chúng tôi quyết định tới một trường Đại học. Đang lưỡng lự không biết nên tới trường nào thì một cái xe Dream đỗ xịch trước mặt, sau câu “Chào Đại ca!” là khuôn mặt rất “chiến trường” của nhà báo Pháo Pháo, phóng viên của một tờ báo chuyên viết cho mục “Nhà trường hay Chiến trường”. Sau khi hỏi thăm rối rít, nhà báo Pháo Pháo nói: “Nếu các huynh có ý định đi viết bài về Trường Đại học thì gặp may rồi. Đệ đang làm một loạt phóng sự về chuyện chất lượng thầy và trò các trường Đại học, có thể làm hướng đạo cho các Huynh rất tốt!”. Thế là chúng tôi làm thành một tổ chiến đấu, phóng ngay đến một trường Cao Đẳng vừa từ một trường Trung cấp được nống lên thành Cao Đẳng, và đang làm thủ tục để thành trường Đại học.
Tiếp chúng tôi là Tiến sĩ Học Học, Hiệu phó phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, công tác Đào tạo của trường. Ngồi nói chuyện một hồi, tôi chợt nhận ra vị Tiến sĩ Học Học này thực ra có tên là Ho, là người hàng xóm của tôi từ hồi học tiểu học, vì bị chứng bệnh Ho gà ngay từ tuổi sơ sinh cho nên có tên là Ho. Ho học dưới tôi hai lớp, luôn bị điểm “Gậy” và “Ngỗng” (tức 1 và 2) thì có uống thuốc Tiên cũng không thể thông minh đột biến để trở thành Tiến sĩ bây giờ được! Tôi đem thắc mắc ấy hỏi nhà báo Pháo Pháo thì anh ta nói: “Xin Huynh đừng bói ra ma quét nhà ra rác nữa! Xu hướng bây giờ là “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, căng buồm ra biển lớn! Cho dù ông ta có là “Tiến sĩ giấy” thì đó là “căn bệnh thời đại”, “Cả làng mắt toét chứ mình em đâu?”. Tôi hơi ngạc nhiên vì cái anh chàng Pháo Pháo này, hồi mới quen tôi, anh ta nổi tiếng xông xáo trong trận chiến chống Tham nhũng, hay là bây giờ phải chuyển hướng bởi “an toàn là bạn, tai nạn là thù” ? Nghĩ thế, tôi không để tâm đến chuyện cái anh chàng Ho đã “lột xác” để thành Tiến sĩ Học Học nữa mà theo Pháo Pháo đi tiếp xúc với các sinh viên – những “chủ nhân ông” tương lai của đất nước!
Nói chuyện với các sinh viên, tôi nhận thấy kiến thức văn hóa, lịch sử , địa lý … của họ quá ư là hổng, khuyết rất lớn! Ngay cả những kiến thức cơ bản và chuyên ngành cũng rất bập bõm! Vi nhận xét rằng, việc bùng nổ các trường Đại học, Cao đẳng không phản ánh đúng thực chất mặt bằng văn hóa nói chung của xã hội mà góp phần hạ thấp chất lượng sinh viên, học sinh bởi việc tuyển sinh chỉ vì tiền, tức mục đích của các trường ĐH, CĐ là kinh doanh kiếm lời bằng mọi giá chứ không phải là Trồng Người , là đào tạo nhân tài, những tinh hoa của đất nước! Đây quả là một thảm họa mà hậu quả của nó còn lớn hơn cả nạn diệt chủng!... Ông cha ta đã có câu “Quý hồ Tinh, bất quý hồ đa” , nói nôm na là, chúng ta cần cái tinh luyện, tinh chất chứ không thể là tạp chủng, tạp chất. Giống như bên quân sự, chúng ta cần đội quân Tinh nhuệ, thiện chiến chứ không thể xài một đội quân ô hợp. Nếu xài đội quân ô hợp, chưa đánh đã bại!
Ăn cơm tối xong, chúng tôi đang nghĩ cách “thâm nhập” một Nhà tù hay một Trại giam nào đó thì quả là sự bất ngờ luôn đồng hành với chúng tôi khi tôi gặp “Tài chém”, vốn là một Đại ca Đầu gấu khét tiếng một thời. Thực ra, “Tài chém” không có bản lĩnh cao cường gì mà chỉ có máu liều, sẵn sàng “thí mạng cùi” bất cứ lúc nào, với ai! Cho nên tục ngữ có câu “Vua thua thằng liều” chẳng bao giờ sai! Sau khi hỏi han một hồi, thì ra giờ “Tài chém” đã lột xác, hoàn lương và trở thành Phó Quản giáo của một Trại giam khá lớn. Quả là những nhà tổ chức đã biết dùng chiêu “lấy độc trị độc” trong nghệ thuật dùng người! “Tài chém” rất vui khi gặp lại tôi bởi khi còn làm báo, tôi đã giúp “Tài chém” đăng báo những câu chuyện “thời dao búa” của mình! Lúc ấy, tôi cứ nghĩ sau này “Tài chém” sẽ thành một nhà văn lớn chuyên viết về “Xã hội đen”, nhưng giờ hỏi lại thì “Tài chém” nói: “Chuyện viết lách quả là còn phức tạp hơn cả những chuyện máu chảy đầu rơi của Xã hội đen!...Em đã “gác bút” lâu rồi! Giúp mấy người phạm tội hoàn lương quả thật là khó, không phải ai cũng nghĩ như mình!”…
“Tài chém” dẫn chúng tôi về cái trại mà anh ta làm Phó Quản giáo. Ngồi hàn huyên một hồi, “Tài chém” nói: “Các anh đã Vi hành thì nên đi tới đáy của vấn đề. Đã vào cái Trại này thì cũng nên thử nếm mùi tù nhân cho biết!”. Vi không ra đồng ý cũng không ra phản đối, còn tôi thì nghĩ cứ để mặc “Tài chém” sắp xếp cho nên không nói gì!...Tôi còn đang suy nghĩ xem “Tài chém” sắp xếp như thế nào thì đã thấy tôi, Vi và một người nữa bị đẩy vào một phòng giam. Phòng giam này khá rộng, ở ngay giữa phòng có một nhóm người đang ngồi bu quanh một người đầu trọc lốc, khuôn mặt rất “ấn tượng” bởi những vết chém còn để lại sẹo chằng chịt – chắc hẳn là một Đại ca thủ lĩnh! Cánh cửa sau lưng chúng tôi vừa đóng sầm thì một thằng nhỏ con từ trong đám người bu quanh kia vọt ra đứng trước chúng tôi, quát lớn: “Tất cả quỳ xuống chào Đại Ca!”. Tiếng quát của thằng kia quả là có uy lực ngầm khiến cả ba chúng tôi lập tức quỳ mọp, người đi cùng với chúng tôi còn vái lạy lia lịa! Gã Đại ca thấy vậy thì nói khề khà: “Thôi được rồi! May cho chúng mày là hôm nay Trẫm rất vui cho nên miễn cho trận đòn nhập Trại. Song, chúng mày phải thể hiện năng khiếu văn nghệ. Hay thì được thưởng, dở thì bị phạt. Thằng kia, mày thể hiện trước!”, và gã Đại ca chỉ thẳng vàoVi! Tôi giật mình lo ngại không biết Vi có qua nổi cái ải này không thì Vi bình thản nói: “Tôi xin hầu Đại ca và các Sư Huynh món Truyện Tiếu lâm!”. Lập tức cả bọn vỗ tay và há mồm ngồi nghe. Vi kể lại chuyện đi thi “Cu trường”. Truyện này kể chi tiết ra đây thì hơi tục, song nó thuộc loại “Kể tục, giảng thanh” nên xin tóm tắt Đại ý: Có một người kia, “cái ấy” khi cương hết mức mới dài tới đầu gối mà đã dương dương tự đắc cho là mình vô địch thiên hạ. Anh ta đi khắp nơi để tìm đối thủ. Một ngày kia, anh ta tới Làng nọ vì nghe đồn Làng này có rất nhiều người có “cái ấy” cực dài. Khi mới tới cổng Làng, anh ta thấy hai người đang cầm hai cây côn , như là làm nhiệm vụ canh gác. Song khi lại gần thì thấy cả hai người đang có vẻ như cùng đang “sướng”, anh ta bèn hỏi: “Chào hai Huynh đệ, cho tôi hỏi …”. Chưa nói hết câu thì cả hai người kia cùng nói: “Đi chỗ khác, lát nữa hãy hỏi, đừng phá đám cuộc giao hoan sắp tới đỉnh khoái lạc của ta!”. Anh ta thấy lạ, không kềm được, lại hỏi: “Vậy mỹ nhân đối tác của các Huynh đang ở đâu?”. Hai người kia cùng nói: “Ở nhà chứ còn ở đâu!” rồi như là trôi vào trong cơn đê mê! Anh chàng kia thấy vậy thì trố mắt kinh hoàng, hoảng sợ đến nỗi “cái ấy” thun lại chỉ còn bằng ngón tay út! Mới chỉ là hai thằng lính gác mà đã như thế thì các vị chức sắc trong Làng còn tới đâu? Anh ta nghĩ vậy và chạy mất tăm!... Cả bọn nghe xong thì cười nghiêng ngả, đòi Vi kể mãi! Tôi nghĩ chắc Vi sẽ lâm vào cái cảnh “Ngàn lẻ một đêm” nhưng không ngờ từ chuyện cười, Vi đã chuyển sang kể “chuyện khóc”! Và quả là bất ngờ, bọn này thật dễ mủi lòng, khóc lóc một hồi rồi lăn ra ngủ!...
Khi chia tay Vi, tôi hỏi: “Ông nói thật lòng cho tôi nghe xem ông đã thu hoạch được những gì sau chuyến Vi hành cuối năm này?”. Vi nói ngay: “Trước đây, nhất là khoảng dăm năm gần đây, tôi chỉ toàn suy ghĩ về những vấn đề Vĩ mô , những vấn đề mang tầm chiến lược. Cứ chăm chăm vào việc “Hội nhập thế giới”, đi các nước để học hỏi, thậm chí đem những mô hình của các nước phát triển để áp dụng vào nước ta. Song, giờ thì tôi nghĩ quả là không ổn. Cơ sở hạ tầng của ta còn quá nhiều khiếm khuyết, quá nhiều lỗ hổng. Vì thế, phải làm lại từ đầu. Tức phải xây dựng lại nền móng cho chắc. Nếu chúng ta cứ “Xây lâu đài trên cát, trên bùn” thì nó sẽ sụp đổ là điều tất yếu!”. Tôi lại hỏi: “Vậy ông có kế sách gì, hành động cụ thể gì không?”. Vi ngần ngừ một lát rồi nói: “Tôi sẽ xin xuống làm cán bộ cấp Huyện chứ không lên Trung ương như dự kiến nữa!”. Tôi băn khoăn: “Liệu ý tưởng ấy của ông có được ủng hộ không? Ông có nhớ câu “Một cánh én không làm nên Mùa Xuân” không? Tôi e rằng ông sẽ chỉ như một hòn sỏi ném xuống ao sâu, không thể sủi tăm!”. Vi thở dài rồi lại nói giọng quả quyết: “Không thể không thử xem!”…
Chúng tôi chia tay nhau. Vi hẹn tôi năm năm sau gặp lại thế nào cũng có tin vui! Nhìn Thời gian đang chuyển dịch tới Năm Mới 2010, dù là người đa nghi, tôi cũng không thể không chia sẻ niềm tin với con người quyết Hành động này!...
Sài Gòn, những ngày cuối năm 2009
  Đỗ Ngọc Thạch
© tác giả giữ bản quyền.
. Đăng tải theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 31.12.2009.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com. 

KIM   NGÂN   ĐIỀN  

ĐỖ NGỌC THẠCH

Huyện Lâm Đồi là một huyện vùng bán sơn địa, đất đai cây cối chỉ vào loại thường thường bậc trung, không có gì nổi bật. Người dân ở huyện Lâm Đồi được cái chăm chỉ làm ăn, chịu khó xoay trở nên cũng đủ ăn, thiên hạ thái bình…
Nhưng từ khi ông Trần Lê Quan Huyên lên làm chủ tịch Huyện thì ông quyết không chịu để cho Huyện Lâm Đồi ở cái mức thường thường bậc trung nữa. Ngày ngày, đêm đêm ông Quan Huyên luôn tập trung những cán bộ thân tín họp bàn mưu tính kế để “bốc” Huyện Lâm Đồi lên, không nhất nhì thì cũng phải là trong Top Năm của Tỉnh. Song, hai năm trời trôi qua mà cũng chỉ làm được mấy vụ lẻ tẻ, chẳng hạn như đưa cây cao su, ca cao và cả cà phê của Tây Nguyên lên các đồi hoang của Huyện Lâm Đồi. Cây con tuy xanh tốt nhưng chưa biết kết quả thế nào, phải chờ và cầu …Ông Trời phù hộ!
Vào dịp Tết năm Con Hổ này, ông Quan Huyên được chiến hữu, đệ tử làm “tình báo kinh tế” ở khắp các nơi thông báo cho biết năm nay  Nhà nước sẽ làm Lễ hội Tịch Điền rất lớn ở tỉnh Hà Nam, đưa vấn đề Khuyến Nông lên hàng quốc sách. Thế là ông Quan Huyên âm thầm triển khai ngay kế hoạch làm Lễ hội Tịch Điền ở Huyện Lâm Đồi, ông trù tính:  đúng thời điểm 9 giờ sáng ngày Mùng 7 Tết, khi ở xã Dọi Sơn, huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam, thực hiện đường cày tơi xốp đầu tiên của nghi thức dùng trâu cày ruộng, khai mạc Lễ hội Tịch Điền 2010 Dọi Sơn thì ông Quan Huyên cũng sẽ trong bộ quần áo Nông dân gia truyền, sẽ thực hiện đường cày khai hội Tịch Điền ở xã Ngân Điền huyện Lâm Đồi!...
Mọi công việc chuẩn bị cho Lễ hội Tịch Điền ở xã Ngân Điền đã được hoàn tất, từ ngày 29 tháng Chạp của năm con Trâu, chỉ chờ đến giờ G, tức 9 giờ sáng ngày Mùng 7 Tết, năm con Hổ, tức ngày 20 tháng 2 năm 2010!...
…Ngày Mùng 3 Tết, ông Quan Huyên tới Lễ Tết ông Thầy Lê Vũ Hành Thủy, dạy môn Lịch sử năm cuối Trung học Phổ thông, với hy vọng sẽ xin Thầy cho thêm vài ý hay cho ngày Lễ hội Tịch Điền tới!
Chào hỏi nghi lễ xong xuôi, ông Thầy Hành Thủy hỏi:
-Tết này trò có “chiêu” gì hay không? 
-Sư phụ nổi tiếng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, không cần hỏi cũng biết là trò sẽ xuất “chiêu” gì mà? Sư phụ có thể nói cho trò biết “chiêu” đó cần làm thế nào cho thành “Tuyệt chiêu” không? – ông Quan Huyên nhìn Sư phụ chờ đợi.
-Thôi được, trò đã nói vậy thì ta cũng chẳng cần vòng vo Tam quốc nữa. “Chiêu” của trò vào Tết năm nay là “Lễ Tịch Điền”!
-Bái phục! Sư phụ quả là không thua gì Quỷ Cốc Tiên sinh! Sư phụ có cao kiến gì chăng?
-Cao kiến thì có đấy, chỉ e trò không thực hiện nổi! Trước hết, ta hỏi trò có biết tại sao cái xã mà trò dự định làm Lễ hội Tịch Điền có tên gọi là Ngân Điền không?
-Dạ, cứ suy theo lối triết tự thì đồng ruộng ở xã này là cái kho ngân lượng, trồng cây gì cũng hái ra tiền!...
-Nhưng thực tế thì sao?
-Dạ…thực tế thì bỏ hoang quá nửa, chủ yếu là nơi trẻ con làm sân đá bóng và thả diều!...
-Đó! Đừng có nhìn vào cái tên gọi mà tưởng là thật! Người xưa thường lấy các chữ Phú, Tài, Lộc, Thọ…đặt tên cho địa phương mình sống. Đó chỉ là mơ ước chứ chưa phải là thực, thậm chí có nhiều nơi không bao giờ là thực được!...
-Dạ…Đúng vậy! Trò có người bạn làm chủ tịch huyện Đại Phú nhưng đó lại là huyện nghèo nhất tỉnh!...
-Thế thì trò có biết lý do trực tiếp có cái tên Ngân Điền không?
-Dạ, cái này thì… xin sư phụ chỉ giáo!
-Vậy thì ta nói ngay: cái xã Ngân Điền này xa xưa vốn rất hoang vu, một số khu canh tác bây giờ vốn là rừng hoang, có nhiều thú dữ, ma quỷ…Dân làng này vốn là tù nhân, tội phạm tứ xứ đổ về lánh nạn và chủ yếu sống bằng nghề ăn trộm, tất nhiên là đến những nơi khác hành nghề. Khi lấy được nhiều vàng bạc, đồ quý, người ta thường đem chôn tạm ở những khu rừng hoang đó! Vì thế xã này có tên là Ngân Điền, và có tới ba cái Làng lấy tên là Kim Ngân Điền (*), phải gọi phân biệt là Thượng, Trung và Hạ… Chỗ trò dự định chọn làm Lễ hội Tịch Điền là Làng Kim Ngân Điền Trung, đúng không?
-Sao Sư phụ biết kỹ thế?
-Làng Kim Ngân Điền Trung là nơi có đồng ruộng cao ráo, chủ yếu trồng rau màu, cả hoa quả nữa. Chẳng  lẽ lại chọn chỗ trũng toàn bùn lầy như ở Kim Ngân Điền Hạ hoặc toàn bãi tha ma, nghĩa địa như ở Kim Ngân Điền Thượng?
-Vậy Sư phụ có cao kiến gì gì cho buổi khai hội Lễ Tịch Điền, trò xin được chỉ giáo?
-Cao kiến cái con khỉ, đó chỉ là mẹo vặt: hãy cho chôn một hũ vàng ở đầu và một hũ bạc ở cuối thửa ruộng nơi tiến hành Lễ hội Tịch Điền!
-Trò xin lĩnh ý!
Thư ký Tổng hợp của Chủ tịch Huyện được giao nhiệm vụ chôn hũ vàng và Chánh Văn phòng Ủy Ban Huyện được giao nhiệm vụ chôn hũ bạc. Thời gian chôn hai hũ vàng và bạc là vào nửa đêm về sáng ngày Mùng 6 Tết, tùy người thực hiện lựa chọn thời khắc thích hợp nhất với mình.
Nói về người Thư ký Tổng hợp, là một nữ nhi nhưng tất cả những trang nam nhi quân tử của Huyện Lâm Đồi này đều dưới cơ cả về văn và võ: chưa tới ba mươi tuổi nhưng đã có bằng Tiến sĩ về Kinh tế và đai đen về Karate. Cô gái kiệt xuất này có cái tên cũng khiến cho giới mày râu phải giật mình: Lê Vũ Như Sơn. Nàng chính là con gái lớn của ông thầy dạy môn Lịch sử của ông Quan Huyên : Lê Vũ Hành Thủy. Người cha của ông Hành Thủy có hai người con trai, người anh đặt tên là Như Sơn, người em là Hành Thủy, là lấy từ câu “Tọa như sơn, hành như thủy”. Nhưng người anh Như Sơn của ông Hành Thủy bị đột tử từ tuổi thiếu niên, nên ông Hành Thủy đã lấy tên Như Sơn đặt cho con gái đầu lòng của mình.
Cuộc nói chuyện giữa hai thầy trò ông Hành Thủy và ông Quan Huyên, thật ngẫu nhiên, lại gần như là giống y chang với một đoạn trong cuốn tiểu thuyết “Thầy và Trò” (tập 1) của cô con gái Lê Vũ Như Sơn, đang viết về chính người cha của mình là ông Hành Thủy và người Sếp của mình là ông Quan Huyên. Tại sao lại có sự trùng hợp như vậy thì chính ông Hành Thủy, khi được cô con gái nhờ “đọc duyệt” cuốn Tiểu thuyết “Thầy và Trò” cũng không thể giải thích được. Đó là vào sáng ngày Mùng 4 Tết, tức là khi hai thầy trò ông Hành Thủy nói chuyện với nhau về chuyện Lễ Tịch Điền ở nhà ông Hành Thủy hôm Mùng 3 Tết, thì cô con gái Như Sơn đang ngồi viết cuốn tiểu thuyết “Thầy và Trò” ở phòng làm việc của mình ở Trụ sở Ủy Ban Huyện, nhân ngày Trực Tết! Suốt buổi sáng Mùng 4 Tết, ông Hành Thủy cứ suy nghĩ mãi về sự trùng hợp đó và ông tính sẽ hỏi cô con gái của mình chỉ một câu: “Con có thực hiện việc chôn hũ vàng xuống Kim Ngân Điền hay không?”. Song, phải đến bảy giờ sáng ngày Mùng 7 Tết, ông mới gặp riêng được cô con gái Như Sơn. Lúc đó, cô gái Như Sơn đang là một trong những nhân vật quan trọng của Lễ Hội Tịch Điền nên chỉ có thể tranh thủ gặp người cha được một lúc.
-Sao từ lúc đưa cho cha bản thảo cuốn tiểu thuyết “Thầy và Trò” (tập 1), con không giành thời gian để gặp cha xem cha nhận xét thế nào sao?
-Ôi, con thật không ngờ từ sáng Mùng 4 đến nay lại nảy sinh nhiều việc đột xuất như thế? Cả Văn phòng Ủy Ban Huyện cứ xoay tít như cái đèn kéo quân, cứ gọi là chóng cả mặt, hoa cả mắt!...
-Coi là việc thì nó là việc, coi là trò chơi thì nó là trò chơi! Con quên câu “Quan có cần nhưng dân chưa vội / Quan có vội, Quan lội Quan sang” rồi sao? Nhìn con gái của cha kìa, chưa trang điểm gì cả?
-Ôi…Con xin lỗi cha vì đã để cho cha phiền lòng, lo ngại cho con!...Giờ thì cha con mình có thể nói chuyện thoải mái tới giờ khai mạc Lễ hội Tịch Điền, con đã thu xếp đâu vào đó!...
-Cha chỉ tính hỏi con một câu: Con có thực hiện việc chôn hũ vàng xuống Kim Ngân Điền hay không?
-Thế cha chưa đọc xong bản thảo “Thầy và Trò” của con sao?
-Đọc xong rồi! Thế thì sao?
-Thì đúng như  những gì con đã viết trong cuốn tiểu thuyết đó: cả hũ vàng và hũ bạc đều bị những kẻ trộm lành nghề lấy mất! Vào lúc nào thì không ai biết!
-Vì vậy mà con không đã không chôn hũ vàng và người Chánh Văn phòng Ủy Ban cũng không chôn hũ bạc?
-Vì cả con và người Chánh Văn phòng đều biết rất rõ rằng ở cái xã Ngân Điền này, hiện có tới gần chục người vào hàng “Thần Trộm”!
-Vậy mà cha cứ nghĩ rằng đó chỉ là chuyện trong tiểu thuyết hư cấu!
-Thì tiểu thuyết cũng chính là cuộc đời mà! Bây giờ, tiểu thuyết thì thật hơn cả cuộc đời và cuộc đời thì cứ lãng mạn như là tiểu thuyết!
Đúng 9 giờ sáng ngày Mùng 7 Tết năm Canh Dần, tức ngày 20 tháng 2 năm 2010, hầu như dân cả huyện Lâm Đồi đã tới xã Ngân Điền, cụ thể là Làng Kim Ngân Điền Trung để dự Lễ hội Tịch Điền. Mọi việc diễn ra suôn sẻ và tuần tự như tiến đúng như kịch bản đã định sẵn từ trước…
Ông Thầy Hành Thủy đang xem đoạn mở đầu của Lễ hội Tịch Điền: Chủ tịch Huyện Quan Huyên trong bộ quần áo Nông dân màu nâu đã bạc màu, sờn vai đang cày sá cày đầu tiên, thì điện thoại đi động đổ chuông:
-A lô! Ai đó?
-Dạ! Em là trò Quan Huyên của sư phụ đây. Mời thầy tới nhà hàng đặc sản Gió Đồng, hôm nay em sẽ chiêu đãi sư phụ món mới bóc tem! Người đeo kính mát đang đứng sau lưng thầy sẽ đưa thầy đi!...
-A lô! Thế là thế nào? Trò đang cày trên thửa ruộng Kim Ngân Điền cơ mà?...
Ông Thầy Hành Thủy định nói gì nữa nhưng người đeo kính mát đã nhẹ nhàng kéo ông đi như bay, chẳng mấy chốc đã tới gian phòng đặc biệt của nhà hàng đặc sản Gió Đồng.Vừa nhìn thấy ông thầy Hành Thủy, ông Quan Huyên nói rối rít:
-Xin sư phụ tha tội bất kính! Lẽ ra trò phải báo trước với sư phụ người cày khai hội Lễ Tịch Điền đó là “Người đóng thế” của trò, nhưng trò muốn giành cho sư phụ sự bất ngờ!
-Bất ngờ cái con khỉ! Ta sẽ phạt trò thật nặng!
-Trò xin chịu phạt!...
Ông Thầy Hành Thủy chưa kịp nói ra hình thức phạt ông trò Quan Huyên thì cô con gái Lê Vũ Như Sơn bất ngờ xuất hiện. Vừa nhìn thấy Như Sơn, cả ông thầy Hành Thủy và ông Quan Huyên đều giật mình kinh ngạc, và có vẻ như ông Quan Huyên kinh ngạc hơn, ông nói mà như là bị líu lưỡi:
-Trời đất! Cô đang làm MC cho chương trình Lễ Hội Tịch điền cơ mà?
-Đó là Người đóng thế của Như Sơn, cô ta sẽ đảm nhận xuất sắc công việc được giao. Còn Như Sơn thật thì rất muốn tận mắt chứng kiến hai thầy trò đang nói chuyện với nhau những gì vào lúc này, bởi đây sẽ là đoạn Vĩ thanh của cuốn tiểu thuyết “Thầy và Trò” tập 1!...À, hai thầy trò cứ tiếp tục câu chuyện dang dở! Hình như là đang tìm hình thức phạt?
Ông thầy Hành Thủy lặng đi một phút mới nói được:
-Gác chuyện phạt đó lại. Bây giờ cha phải hỏi con câu này, con phải nói thật: Những lúc gặp cha, con có dùng Người đóng thế hay không?
Ông Quan Huyên không chờ cho cô Như Sơn trả lời mà nói xen vào:
-Tôi cũng muốn hỏi gần giống như thế: những khi làm việc với tôi, cô có dùng Người đóng thế không?
Cô gái Như Sơn xin khất câu trả lời cả hai người vì điện thoại di động của cả ba người cùng đổ chuông rồi ba bản nhạc cùng ngân lên theo ba giai điệu hoàn toàn khác nhau…
Sài Gòn, đầu năm 2010

____________________________________________

(*) Kim Ngân Điền: ruộng vàng bạc
  Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 30.05.2010.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét