Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Ba lần thoát hiểm - Đỗ Ngọc Thạch


 




Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích : Ba lần thoát hiểm


Hai lần bác sĩ

Hai lần bác sĩThân là năm sinh và cũng là tên, hơn tôi bốn tuổi, tức sinh năm  1944. Sang năm đói Ất  Dậu  1945, lúc đó  Thân  mới một  tuổi, một lần bà nội tôi đi chợ, thấy Thân đói lả, chỉ còn thoi thóp bên xác người mẹ đã chết ở góc chợ.


Bảo vệ danh tiết (chùm truyện mini)

Bảo vệ danh tiết (chùm truyện mini)1. Họa phúc không lường
Hai vợ chồng ông Đinh May đều đã về hưu, tài hèn sức mọn nên chỉ sống nhờ vào quán trà nhỏ lúc tuổi già.

Tên tướng cướp hoàn lương

Tên tướng cướp hoàn lươngl. Khi còn làm việc ở Sở Văn hóa Thông tin của một tỉnh miền cao nguyên đất đỏ, tôi thường đi xuống các huyện (đi cơ sở) và đi họp ở Sài Gòn bằng xe ô tô (loại xe TOYOTA) với ông Giám đốc Sở. Đi đường dài tất xảy ra nhiều chuyện không thể lường trước, cũng giống như câu thành ngữ “Đi đêm nhiều tất có ngày gặp ma”.

Đề tài nghiên cứu khoa học (chùm truyện ngắn mini)

1- Thay đổi số phận
Sa Phi là người phụ nữ có tướng sát phu nổi tiếng cả một vùng : người đàn ông nào cưới cô xong cũng chết bất đắc kỳ tử ngay sau đêm tân hôn. Có ông vào hàng quan chức họ Trần, sau vụ làm ăn thua lỗ, mất cả chì lẫn chài tức mất cả chức quyền lẫn tiền bạc chỉ còn hai bàn tay trắng !

Ba lần thoát hiểm

Năm 1961, tôi học lớp Năm ở trường Phổ thông cấp 2-3 Lương Ngọc Quyến, thị xã Thái Nguyên, nay là Thành phố Thái Nguyên. Tính đến nay (năm 2011) là đã chẵn 50 năm. Số bạn học cùng tôi ở lớp Năm hồi đó, suốt 50 năm qua tôi chưa hề gặp lại người nào.

Trang 19 / 39

 




Ba lần thoát hiểm

Năm 1961, tôi học lớp Năm ở trường Phổ thông cấp 2-3 Lương Ngọc Quyến, thị xã Thái Nguyên, nay là Thành phố Thái Nguyên. Tính đến nay (năm 2011) là đã chẵn 50 năm. Số bạn học cùng tôi ở lớp Năm hồi đó, suốt 50 năm qua tôi chưa hề gặp lại người nào.
Những tưởng đó chỉ còn là ký ức xa mờ thì thật diệu kỳ, trong dịp lễ kỷ niệm 30-4 và 1-5 vừa rồi, tôi đã bất ngờ gặp lại không chỉ một mà tới ba người bạn học cùng lớp Năm từ hồi năm 1961 đó. Có cuộc hội ngộ không tiền khoáng hậu này bởi mấy người bạn học của tôi đã đứng ra tổ chức một buổi họp lớp “Bạn học thời cởi truồng”. Tại sao không phải là bạn học Đại học hoặc cấp học nào tương đương hay cao hơn? Chỉ là bởi bà vợ của chủ nhà đăng cai hiện đang là Hiệu trưởng một trường Tiểu học mà những người bạn học cũ cùng muốn hùn vốn đầu tư nâng cấp cho ngôi trường bé nhỏ này. Sự có mặt của tôi ở buổi họp lớp “Bạn học thời cởi truồng” này là hoàn toàn ngẫu nhiên: người cung cấp thường xuyên chè Thái cho tôi cũng là “nhà cung cấp” loại trà đặc sản này cho những người bạn học lớp Năm đó của tôi. Hôm ấy, khi đưa trà cho tôi, ông ta hỏi: “Ông nghiện trà Thái như thế, không biết đã từng ở Thái Nguyên hay chưa?” - “Tất nhiên là đã từng. Trong hai năm 1960, 1961 tôi đã ở Huyện Đồng Hỷ rồi Thị xã Thái Nguyên” - “Nếu vậy thì hẳn là ông cùng lứa tuổi với những người bạn trà Thái của tôi!”. Rồi ngay ngày hôm sau, người bán trà đưa tôi tới dự buổi họp lớp “Bạn học thời cởi truồng” có một không hai này.
Chuyện họp lớp “Bạn học thời cởi truồng” này có nhiều chuyện rất thú vị, chẳng hạn mấy người bạn của tôi đã gặp lại được cả những bạn học từ thời lớp Một, lớp Hai, lớp Ba, lớp Bốn. Mỗi khi gặp lại nhau, họ như được sống lại tuổi ấu thơ… Biết bao nhiêu là chuyện như là cổ tích trong những “chuyến tàu ngược thời gian” ấy, tôi sẽ kể dần vào dịp khác, ở đây chỉ xin nói về ba người bạn cùng học lớp Năm hồi năm 1961 với tôi. Người thứ nhất là Phan Thị Tiên Nữ, hiện là chủ một doanh nghiệp chuyên về Hậu táng. Người thứ hai là Lê Văn Chiến Công, hiện là chủ một doanh nghiệp chuyên về đóng hòm tủ và chủ yếu là đóng quan tài. Và người thứ ba là Trần Văn Thạch, chuyên về chạm khắc trên đá, chủ yếu là bia mộ. Ba người này, chỉ có họ Trần là trùng tên với tôi nhưng cả bốn chúng tôi không chỉ đều cùng tuổi Mậu Tý mà trùng cả tháng sinh và ngày sinh, chỉ khác giờ sinh mà thôi.
Còn có nhiều điểm trùng hợp nữa của bốn người bạn cùng học thời lớp Năm chúng tôi là: đều vào đại học được vài tháng thì nhập ngũ (năm 1966), nhưng ba người bạn tôi sau đó đều trở lại trường đại học ngay với quân phục áo lính (như Phan Thị Tiên Nữ thì từ Dân Y chuyển sang Đại học Quân Y, Chiến Công và Văn Thạch thì từ Đại học Bách Khoa chuyển sang Đại học quân sự, người chuyên ngành cầu đường, người thì chuyên ngành kỹ thuật vô tuyến), không như tôi, khi trở lại trường đại học thì đã không còn là quân nhân nữa. Hoặc có sự giống nhau rất cơ bản là cuộc đời cả bốn người đều có nhiều biến động lớn, bảy nổi ba chìm đủ kiểu!... Có một sự trùng hợp khá kỳ lạ của bốn người bạn chúng tôi là trong cuộc đời hơn 60 năm qua đã có ít nhất ba lần thoát hiểm rất đặc biệt: khi chỉ còn cách cái chết đường tơ kẽ tóc! Ba lần thoát hiểm của người bạn nữ Phan Thị Tiên Nữ dường như độc đáo hơn cả!
*
Lần thoát hiểm thứ nhất là khi xảy ra chuyện Cải cách Ruộng đất (CCRĐ; 1954-1956): cô bé Phan Thị Tiên Nữ tuy còn nhỏ nhưng dám chống đối Đội Cải cách quyết liệt (không những không tham gia đấu tố mà còn lén đem cơm cho những địa chủ đang bị giam) nên đã bị đem xử bắn cùng với người ông nội bị kết tội là đại địa chủ cường hào gian ác (người cha của cô bé Tiên Nữ lúc đó đang là bộ đội, đóng quân ở xa, nếu có về nhà lúc này cũng sẽ bị Đội CCRĐ bắt giam luôn). Khi những người trong đội tự vệ xã nhận được lệnh “Chuẩn bị!... Ngắm bắn!” thì có hai tiếng súng nổ liên tiếp “Đoành!... Đoàng!”. Thì ra hai người làm nhiệm vụ hành quyết nghe tới chữ “bắn”, tưởng là lệnh bắn, liền bóp cò. Nhưng, trước khi hai người kia bóp cò chỉ trong tích tắc, thì có một cơn gió lốc ào tới, khiến cả hai người theo phản xạ tự nhiên, xoay người 180 độ để tránh cát bụi do cơn lốc bay tới, táp vào mặt. Chính cái xoay người đó đã khiến cho cả hai nòng súng hướng vào phía những người chủ tọa, hai viên đạn đã găm vào mặt hai người lãnh đạo của tòa án nhân dân đặc biệt (*)! Trong lúc người ta cuống quýt đưa hai người trúng đạn đi cấp cứu thì có ai đó đã đưa hai ông cháu cô bé Tiên Nữ thoát khỏi pháp trường!... Mãi năm năm sau, cô bé Tiên Nữ mới biết hai người đã đưa ông cháu cô thoát khỏi pháp trường chính là hai người lính, bạn chiến đấu của bố cô, lúc đó đã lên tới chức Tiểu đoàn trưởng của một Trung đoàn chủ lực. Một trong hai người lính đó sau này đã trở thành phu quân của Tiên Nữ!
Lần thoát hiểm thứ hai của Phan Thị Tiên Nữ là vào cái ngày cô tới trường Đại học Y khoa nhập học. Lúc đó, năm 1966, trường Y sơ tán ở trong một khu rừng xanh bạt ngàn thuộc địa phận huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên. Đường tới khu sơ tán của trường đương nhiên là xa cách ngàn trùng và phải băng rừng lội suối miên man. Song, điều đáng sợ hơn cả là con đường tới trường đó hoang vắng rợn người và tai họa luôn rình rập: không rắn cắn hổ vồ thì cũng bị bọn lục lâm thảo khấu chặn đường! Hôm ấy, Tiên Nữ cùng một người bạn gái nữa rủ nhau đi cùng. Từ thị xã Thái Nguyên tới nơi trường sơ tán, đi nhanh cũng phải hết một ngày đường. Vì thế, phải khởi hành từ năm giờ sáng thì năm giờ chiều tới nơi, trước khi trời tối. Hai cô gái, người thì cầm gậy, người cầm dao luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, nhưng đi suốt nửa buổi mà không thấy có vấn đề gì? Hai người thấy chân mỏi rã rời và bụng thì réo sôi, liền ngồi xuống bãi cỏ ven đường, giở cơm nắm ra ăn. Nhưng, cả hai cô gái chỉ vừa nuốt xong miếng cơm đầu tiên thì thật bất ngờ, hai cái bao tải như từ trên trời ụp xuống đầu. Hai thằng chụp bao tải xem chừng rất khỏe, nhẹ nhàng xốc cái bao tải lên rồi lấy dây buộc túm miệng bao rất nhanh gọn, rất lành nghề. Hai cô gái không kịp phản ứng gì và khi kịp nhận ra cảnh ngộ của mình thì nghe tiếng hai thằng nói với nhau: “Lần này chúng ta bắt được hai tiên nữ chứ không phải người trần gian! Đại ca sẽ có thưởng lớn!” - “Mày thì lúc nào cũng Đại Ca, Đại Tẩu! Lần này, chúng ta hưởng lộc trước đã! Chẳng lẽ chúng ta suốt đời chỉ toàn ăn sái?” - “Mày đừng có ý định làm phản, Đại Ca mà biết là bị lột da chứ không đùa bỡn đâu!”. Hai thằng không nói gì nữa, vác hai cái bao lên vai rồi lách vào đám cây rừng. Đi được chừng năm phút, bỗng có tiếng quát lớn: “Đứng lại! Để hai cái bao tải xuống rồi biến thì ta tha chết!”. Thì ra có hai thằng lục lâm khác chặn đường, muốn đoạt hai cái bao tải của hai thằng kia. Hai thằng đang vác bao tải, thấy vậy thì quẳng cái bao tải xuống và nhất tề lao vào hai thằng chặn đường nhanh như hổ báo. Bốn thằng cuốn cuộn lấy nhau mà đấm đá với những chiêu thức rất tàn độc. Vì thế, không phải đợi lâu, chỉ năm phút sau thì cả bốn thằng cùng hồn lìa khỏi xác. Tiên Nữ không thấy động tĩnh gì thì gỡ cái kẹp tóc ba lá (**), nhẹ nhàng rạch cái bao tải rồi chui ra. Vừa ra khỏi cái bao tải, Tiên Nữ cũng thấy cô bạn đường của mình đang đứng cạnh cái bao tải rách, nhìn thấy cô thì reo lên “Thoát rồi!”…
Lần thoát hiểm thứ ba xảy ra khi Phan Thị Tiên Nữ là Bác sĩ, đang làm việc tại một Đội điều trị dã chiến ở chiến trường thời kháng chiến chống Mỹ. Lần ấy, BS Tiên Nữ cùng một y tá đi công tác thì gặp ổ mai phục của bọn lính biệt kích. Khi tới một khu rừng thưa, cả hai người cùng vừa phát hiện ra “mùi biệt kích” thì đã nghe tiếng súng nổ như pháo giao thừa xung quanh! Hai người tìm chỗ ẩn nấp và phán đoán tình hình thì tiếng súng ngừng lại rồi vang lên tiếng loa “chiêu hồi”, nghe rất gần: “Hãy đầu hàng đi, hỡi các em gái Việt Cộng!... Chúng tôi đã biết rõ chỉ có hai em gái rất xinh đẹp, vì thế chúng tôi không nỡ sát hại người đẹp! Các em sẽ được đón tiếp như Nữ hoàng!”. Lụa, cô y tá đi cùng Tiên Nữ không kìm được tức giận khi chợt phát hiện ra cái loa chiêu hồi đang lấp ló trong một bụi cây, liền kéo cò súng khẩu AK, hai tiếng nổ đinh tai, đầu đạn xé không khí lao đi. Có vẻ như Lụa đã bắn trúng cái loa chiêu hồi, tức thì tiếng súng của tốp biệt kích lại rộ lên như một tràng pháo nổ, đầu đạn bay vèo vèo, cắm vào các thân cây phầm phập. Lụa nói với Tiên Nữ: “Bác sĩ rút đi, tôi sẽ ở lại ăn thua đủ với chúng!”. Tiên Nữ nói ngay: “Không được, sống cùng sống, chết cùng chết! Tôi không thể bỏ Lụa chết ở đây mà sống một mình!”. Nói rồi Tiên Nữ vừa bắn vừa tiến sát hơn tới quân địch chứ không phải là rút lui như Lụa nói. Lụa thấy vậy thì như con rắn, vừa bắn vừa bò tới sát mục tiêu… Khi hai người nhìn rõ mặt từng thằng lính biệt kích, có lẽ chỉ cách khoảng ba mươi mét, thì thật bất ngờ, tiếng súng của tốp biệt kích ngưng hẳn rồi có tiếng nói yếu ớt vang lên: “Tốp lính biệt kích đã bị tiêu diệt hoàn toàn…Tôi là Y tá Huỳnh Lương Y, hãy chôn tôi tại đây và sau này xin báo về cho gia đình tôi theo địa chỉ trong túi áo ngực!...”. Thấy lạ, cả Tiên Nữ và Lụa cùng ngừng bắn, chạy tới chỗ phát ra tiếng nói kia thì thấy một người lính biệt kích đang ngồi tựa lưng vào một gốc cây, ngực đầm đìa máu!
*
Sau khi gặp lại ba người bạn cùng học hồi lớp Năm, tôi cứ nghĩ mãi không hiểu tại sao công việc mà họ làm hiện nay lại có liên quan với nhau, tức là lo việc mai táng. Đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là họ rủ nhau cùng làm cái công việc này? Ba ngày sau buổi gặp mặt, tôi đang tính đến gặp từng người để hỏi cho ra nhẽ thì nhận được điện thoại của Phan Thị Tiên Nữ hẹn đến dự tiệc tiễn đưa cô con gái út của Tiên Nữ đi đào tạo Tiến sĩ ở nước ngoài, về chuyên ngành Thần kinh. Khi tiệc rượu đã ngà ngà, Tiên Nữ nói: “Ba người chúng tớ từ hồi gặp lại nhau, làm ăn với nhau rất tâm đầu ý hợp, cứ tưởng là đã có một bộ ba hoàn chỉnh tuyệt vời. Nhưng từ ngày gặp thêm cậu, tớ mới nhận ra cái cảm giác “còn thiếu cái gì đó” của bộ ba chúng tớ là có thật: chúng tớ thiếu một người chuyên viết điếu văn thiện nghệ! Người đó chính là cậu, chúng ta sẽ làm thành Bộ Tứ tuyệt vời!”. Nghe Tiên Nữ nói, tôi giật mình, chưa kịp “phân tích” tình hình ra sao thì Lê Văn Chiến Công nói: “Lâu nay, khi thực hiện tang lễ cho khách hàng, tớ để ý thấy những điếu văn được đọc ở những tang lễ ấy có gì đó bất ổn: tớ có cảm giác như là người nằm trong quan tài không chịu được, muốn bật nắp mà bay ra!”. Và Trần Văn Thạch, người bạn trùng tên với tôi kết luận: “Nói tóm lại là chúng ta sẽ nhận cả phần viết điếu văn cho khách hàng, tức bao trọn gói! Cậu cứ suy nghĩ kỹ, nếu thấy có cảm hứng thì mới nhận làm, không ai bắt ép cậu!”. Nghe mấy người bạn học lớp Năm nói vậy, tôi cũng chưa biết trả lời thế nào thì cô con gái của Tiên Nữ, nhân vật chính của buổi tiệc nói: “Cháu thấy điếu văn là khó viết nhất và cũng là thể văn quan trọng nhất bởi nó phải kết tinh, thâu tóm được cả cuộc đời của người đã chết! Viết điếu văn không phải là sự kết thúc mà là sự khai mở một cuộc đời mới cho người vừa chết!”. Tôi định hỏi cô gái một câu gì đó đại loại như, còn cháu, tại sao lại chọn nghiên cứu Thần kinh, thì cô gái đã cụng li với tôi và nói: “Cháu biết chú định hỏi cháu cái gì rồi! Cháu xin trả lời trước: hiện tại và và sẽ là cả tương lai, bệnh Thần kinh sẽ rất phát triển và trở thành nan y. Vì thế, biết nghề này sẽ hái ra tiền!”.
Nhìn phong cách rất tự tin của cô gái, tôi định hỏi thêm câu nữa, rằng theo cháu, chú có nên nhận làm cái công việc viết điếu văn hay không? Nhưng tôi không có cơ hội để hỏi vì dường như tất cả đều đang xúm vào cụng li với cô gái!
Lòng bối rối vô cùng, không biết cậy nhờ ai tháo gỡ, tôi đi ra về. Trong đầu tôi bỗng vang lên những câu văn bi hùng của cụ Đồ Chiểu trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”:
…Khá thương thay!
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh;
Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận binh thư, không chờ bày bố.
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi,
Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chỉ nài sắm dao tu, nón gõ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ.
Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không;
Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh;
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ…
Tới đầu ngõ hẻm, gặp một ông già hát xẩm đang ngồi ngâm nga:
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người!
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu”
“Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi”!
Khi ông già ngừng, tôi vụt nghĩ: Đó là đoạn kết của “Văn tế thập loại chúng sinh”, có nghĩa là bàn tay của Định mệnh đã “xếp đặt” nên “cuộc chơi” cuối cùng này?
Sài Gòn, đầu tháng Năm 2011
Đỗ Ngọc Thạch
----
Chú thích: 
(*) Các buổi đấu tố thường được tổ chức vào ban đêm. Số lượng người tham gia đấu tố được huy động từ vài trăm đến cả ngàn người, và thời gian đấu tố từ một đến ba đêm tùy theo mức độ tội trạng của địa chủ. Trong đêm đấu tố, các bần nông bước ra kể tội địa chủ đã bóc lột họ như thế nào. Tại các tỉnh có tổ chức CCRĐ, người ta cho ra tờ báo lấy tên là Lá Rừng (ngụ ý tội ác địa chủ nhiều như lá rừng) tường thuật chi tiết các vụ đấu tố. Sau khi bị đấu tố các địa chủ được tạm giam trở lại để chờ tòa án nhân dân xét xử, cũng có người bị đánh chết ngay trong lúc đấu tố. Gia đình và thân nhân người bị đấu tố thì bị cô lập, bị bỏ đói và chịu nhiều sự phân biệt đối xử và nhục hình.
Tại các huyện, một tòa án nhân dân đặc biệt được lập ra và đi về các xã xét xử các địa chủ. Sau khi kết án, địa chủ bị xử bắn trước công chúng do đội tự vệ xã hành quyết. Những người không bị xử bắn thì bị cô lập trong các làng xã, một số bị thiệt mạng vì bị bỏ đói.
(**) Loại kẹp tóc ba lá thời này rất phổ biến, có ba miếng kim loại mạ kền sáng bóng, ngoài công dụng kẹp tóc có thể dùng làm dao dọc giấy, làm cái luồn dép cao su và nhiều công dụng khác!
Đỗ Ngọc Thạch.
nguồn: vannghechunhat.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét