Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Cánh đồng mùa đông - Đỗ Ngọc Thạch

 


Cánh đồng mùa đông Đỗ Ngọc Thạch

Chử Đồng Tử và người cha nghèo đến nỗi hai cha con chỉ có một cái “quần đùi”, ai có việc đi ra ngoài thì mới mặc, còn người ở nhà thì “khỏa thân”. Khi người cha sắp chết, người cha đã đã dặn giữ lấy cái “quần đùi” đó mà mặc, nhưng Hiếu Tử Chử Đồng Tử đã mặc “quần đùi” cho cha rồi mới chôn, nên không còn gì mà mặc nữa! Nếu không có chuyện gặp Công chúa Tiên Dung trong cảnh ngộ “trần như nhộng” thì có lẽ Chử Đồng Tử sẽ “khỏa thân” suốt đời!...

Khi còn nhỏ, đọc cái chuyện về Chử Đồng Tử, tôi không tin lại có người nghèo đến như thế. Nhưng sau này, có nhiều dịp sống ở những vùng nông thôn, tôi đã gặp không ít những “Cha con Chử Đồng Tử” như thế. Chỉ có điều khác là không có cái đoạn gặp Công chúa Tiên Dung đi tắm!


Tôi nhập ngũ vào Mùa Đông, tháng 12 năm 1966, được biên chế vào một Đại đội Ra-đa độc lập. Trung đội chúng tôi đặt máy Ra-đa trên một con đê của một con sông đào, vốn là thuộc hệ thống của công trình Đại Thủy Nông Bắc Hưng Hải nổi tiếng một thời. Con đê lúc này đã cây cối xanh tốt, trên mặt đê từng thảm cỏ xanh rờn. Nếu không giới thiệu thì không thể hình dung ra chỉ mấy năm trước đây còn là Đại Công trường đào sông đắp đê nhộn nhịp chấn động cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phải nói sơ qua về cái Đại Công trường Thủy Nông này bởi nhân vật của truyện ngắn “Cánh đồng Mùa Đông” này chính là người đã từng được phong danh hiệu “Kiện tướng” của công trường Đại Thủy Nông này: ông Trần Phu. Song, không biết có phải cái danh hiệu “Kiện tướng” kia đã hại ông hay không mà vừa được phong danh hiệu “Kiện tướng” hôm trước thì hôm sau ông bị tai nạn: Khi đang gánh đất từ dưới hố sâu lên bờ đê thì Trần Phu bị trượt chân, lăn ngược trở lại dưới đáy hố và thật rợn người khi người xắn đất ở dưới hố vừa phóng lưỡi mai xuống đất thì bàn chân của Trần Phu lao tới, lãnh trọn nhát mai sắc lẹm và sức phóng rất mạnh của người thủ mai! Trần Phu đã bị mất gọn cả bàn chân!...

*

Những người lính Ra-đa chúng tôi dựng nhà bạt trên mặt đê, chỉ cách ụ máy phát sóng khoảng 50 mét. Ăn uống thì cử người đi vào nhà bếp của Đại đội ở đầu làng, cách bờ đê khoảng nửa cây số, gánh cơm nước về (những người tân binh chúng tôi thường được vinh dự làm việc này!). Tắm rửa, giặt rũ thì ra bờ con sông đào, nước thì thoải mái dùng không hết nhưng “phù sa” đỏ ngầu, cái khăn mặt chỉ dùng tới ngày thứ ba là đỏ màu phù sa! Điều kiện sinh hoạt ăn ở tuy có khó khăn nhưng hình như đối với những người lính trẻ, chuyện đó không quan trọng. Quan trọng nhất là mùa Đông gió lạnh, sống trên bờ đê cao là lãnh đủ mọi đợt gió mùa Đông Bắc! Song, cái lạnh của Mùa Đông sẽ tan biến hết nếu như trái tim được sưởi ấm!



Vì thế việc quan trọng nhất là lúc nào được vào Làng để gặp gỡ, tâm tình với các thôn nữ mười phần thùy mị, nết na và xinh đẹp!...
Việc vào Làng lúc đó được gọi là “Dân vận”. Mục đích của công tác Dân vận là làm sao để “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Song, khẩu hiệu đó không cần phải hô lên vì lúc đó, người dân, mà chủ yếu là các cô gái quê, biết thương ai ngoài mấy anh lính trẻ, biết nhớ ai ngoài mấy anh lính đáng yêu! Mà thực ra, quân đội ta đã có truyền thống “Quân với dân như cá với nước” từ khi mới ra đời! …

Mỗi lần đi Dân vận là chúng tôi phải đi thành từng tổ Ba người, đây có lẽ là tổ chức nhỏ nhất trong quân đội, có từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc đó gọi là “Tổ Tam tam”. Có lẽ việc hình thành hình thức tổ chức Tổ Ba người xuất phát từ câu ca dao cổ “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao!” Nếu đúng là như thế thì công tác chính trị tư tưởng trong quân đội đã làm được một điều kỳ diệu: Tổ Ba người - Đó chính là hạt nhân tạo nên sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội ta! Tổ Ba người của chúng tôi gồm có ba người, gọi theo tên Khoa mà lúc người đó nhập ngũ thì là: Toán, Lý và Hóa, trong đó Lý là Tổ trưởng, Hóa Tổ phó và Tôi – Toán, tổ viên. Khi đi dân vận, Lý thường ngồi trò chuyện tâm tình với gia chủ, Hóa chăm lo việc thăm hỏi người già, Toán lo chuyện trẻ em!

Lần đi Dân vận đầu tiên, chúng tôi được giao nhiệm vụ giúp nhân dân làm vệ sinh nhà cửa, có nghĩa là nếu thấy nhà nào sống không hợp vệ sinh thì vận động sống cho hợp vệ sinh. Thời gian là cả buổi sáng ngày Chủ nhật, từ bảy giờ sáng đến 12 giờ trưa! Xin nói thêm là cho đến lúc chúng tôi đi làm công tác Dân vận vận động nhân dân sống hợp vệ sinh (những năm cuối thập niên 1960) thì về cơ bản mà nói, ở nông thôn vẫn còn nhiều nơi sống chưa hợp vệ sinh như dùng nước tắm rửa nơi Cầu ao (đó chính là nguyên nhân làm cho cả làng mắt toét), chuồng trâu, chuồng lợn liền kề với nhà ở, có nhiều nơi nhà bếp chung một chỗ với chuồng lợn (đó chính là nguyên nhân ruồi muỗi đầy nhà, cộng với việc ngủ không có màn mùng khiến các cô gái và trẻ em trên mặt luôn có vết muỗi đốt lấm tấm đỏ), đại tiểu tiện lung tung, ỉa cầu ao (gọi là “Cầu Tõm”), ỉa ngoài đồng (sướng nhất Quận Công, sướng nhì ỉa đồng), vẫn là phổ biến,v.v…

Nhà đầu tiên mà Tổ ba người chúng tôi vào là nhà ông Trần Gian, nguyên Chủ tịch Xã, Thương binh Chống Pháp. Hai vợ chồng ông Trần Gian đều đã ngoài sáu mươi tuổi, ông đi lại phải dùng nạng vì đã mất một chân, bà đi lại phải chống gậy vì lưng đã còng! Nhìn hai ông bà không còn mấy sức sống này, không ai dám nghĩ là ông bà lại có hai cô con gái xinh đẹp như Tiên nữ giáng trần! Ông Trần Gian nói ngay với Tổ Trưởng Lý: “Nhà tôi có cái việc rời chuồng Lợn ra góc vườn mà lần khân mãi vẫn chưa làm được, chỉ tại vợ chồng tôi đều già yếu, mà có hai đứa con gái lớn thì hai năm nay lại đi trực chiến bắn máy bay Mỹ hoài, không có lúc nào rảnh!...Các chú làm giúp nhà tôi được việc này thì tôi gả ngay hai cô con gái mà không thách cưới gì cả!” Tổ trưởng Lý nói ngay: “Bác nhớ giữ lời nhé!” và ra hiệu cho chúng tôi làm việc ngay!...Chỉ hơn một giờ đồng hồ, cái chuồng lợn nằm sát góc vườn đã hoàn thành giống như trong chuyện Thần Tiên! Khi chúng tôi làm xong cái chuồng Lợn thì đúng lúc hai cô con gái ông Trần Gian đi chợ đã trở về! Ông Trần Gian nói ngay: “Đó, hai đứa con gái tôi đã hứa gả cho các chú đó! Các chú hỏi em nào ưng ai thì ta làm đám cưới ngay!”. Tổ Trưởng Lý hội ý chớp nhoáng và đi đến quyết định: “Tổ trưởng Lý cô chị, Hóa cô em, còn Toán dự bị!”. Khi hai cô gái biết được quyết định đó thì cô chị nói: “Để em dẫn anh Toán sang nhà ông chú Trần Phu, cô con gái ông Trần Phu còn đẹp hơn chúng em nhiều!”. Nói rồi cô chị, tên Nụ dẫn chúng tôi sang nhà ông Trần Phu.

Nhà ông Trần Phu ở sát hàng rào nhà ông Trần Gian. Ông Trần Phu chính là người được phong danh hiệu kiện tướng rồi bị tai nạn cụt mất bàn chân đã nói ở trên. Sau khi ông Trần Phu bị tai nạn, vợ  ông cũng đột ngột qua đời, khiến cho gia cảnh trở nên vô cùng túng quẫn. Để có tiền làm đám ma cho vợ, ông Trần Phu phải cho hai thằng con trai mới hơn mười tuổi đi ở đợ cho hai nhà giàu trong vùng. Nhà chỉ còn hai cha con – ông Trần Phu và cô con gái Trần Thị Lụa đã 17 tuổi. Ông Trần Phu sau tai nạn, sức khỏe chỉ còn non nửa trước đây, giờ ông chỉ quanh quẩn ở cánh đồng gần nhà, hôm thì mò cua, hôm thì bắt ốc. Lụa có cố gắng hết sức thì cũng không thể làm thay đổi được gia cảnh nhà cô!


Khi chúng tôi sang nhà ông Trần Phu thì chỉ có ông ta đang ngồi uống rượu với …mấy quả ổi xanh lăn lóc trên hè! Cô Nụ nói: “Có mấy anh bộ đội sang thăm chú đây! Cái Lụa nhà chú nó đâu rồi?” Ông Trần Phu như không hề say rượu (thực ra mỗi lần gọi là uống rượu, ông chỉ có thể mua được một chén sành nhỏ, có khi phải mua chịu, thì làm sao mà say!), ngồi nói chuyện với chúng tôi rất cởi mở. Ông nói, khi ông chưa bị tai nạn, ông là lực điền khỏe nhất làng, vợ ông là gái đẹp nhất Huyện, anh trai ông là chủ tịch Xã, nhà ông tuy không giàu nhưng kinh tế rất vững! Giờ ông chỉ ao ước tìm chỗ tốt lành cho con gái lấy chồng rồi ông đi gặp bà vợ xinh đẹp của mình nơi Chín Suối, chứ sống mà lắt lay thế này thì chết cho nhẹ gánh! Chúng tôi xúm vào động viên ông, thấy ông ngồi co ro, khoác tấm chiếu rách như người ăn mày, tôi cởi ngay cái áo Đông Xuân cho ông mặc (Mùa đông, mỗi người lính chúng tôi được phát thêm một áo dệt kim Đông Xuân và một áo trấn thủ. Có lẽ tôi còn trẻ khỏe nên thường không thấy lạnh, chưa bao giờ phải mặc cả áo Đông Xuân và áo Trấn thủ. Chỉ mặc một áo lót cổ vuông cũng bằng vải, một áo Đông Xuân và một áo quân phục hai túi ngực là thấy đủ ấm). Ông Trần Phu nhận áo mặc ngay và cám ơn rối rít.

Đang nói chuyện vệ sinh nhà cửa, ( Thực ra nhà ông Trần Phu chẳng có gì để mà mất vệ sinh cả, chuồng lợn, chuồng gà đều không có. Nhà có ba gian thì bố ở một đầu, con gái ở một đầu, gian giữa chỉ chỏng trơ cái phản gỗ lim là có giá. Bàn không, ghế không!) thì cô Lụa, con gái ông Trần Phu đi chợ về. Theo như cô Nụ nói thì sáng sáng, cô Lụa tranh thủ ra chợ bán mớ ốc mà ông bố Trần Phu mò bắt suốt đêm ngoài đồng lấy tiền đong gạo, mua mắm muối là vừa đủ “lương thực” một ngày cho hai bố con! Nhìn thấy cô Lụa đi từ ngoài cổng vào, thật là cảm động: đầu cô đội cái nón đã bong cái vành ngoài cùng, lớp lá mất vành bờm xơm như cỏ mới mọc, như muốn che đi một khuôn mặt xinh đẹp đến ngỡ ngàng! Chiếc áo tơi ngắn có lẽ là vật gia truyền của người mẹ đã chết sớm, choàng lên con trẻ nỗi bất hạnh truyền đời! Thấy tôi nhìn Lụa với vẻ xúc động, cô Nụ nói thật: “Ai cũng bảo hai bố con nhà này như ăn mày! Mà quả là thế, con Lụa nó chưa từng bao giờ mặc áo mới! Nó bây giờ chỉ có ba cái áo vải là mặc được mà đã vá trước vá sau! Đi đâu nó cũng phải khoác cái áo tơi ra ngoài! Thật tội nghiệp!...” Nghe cô Nụ nói đến đấy, mắt tôi thấy cay xè, miệng thấy đắng ngắt! Tôi cởi ngay cái áo sơ-mi quân phục đang mặc, đưa cho Nụ và nói: “Nụ đưa cái áo này cho cô Lụa, tôi mới nhận quân trang hôm qua đấy!”. Tổ Trưởng Lý thấy tôi cởi gần hết áo (chỉ còn cái áo lót cổ vuông – khi phát quân trang, ai cũng chê và chỉ thích áo lót ba lỗ, nhưng tôi lại thích vì có thể mặc thay áo sơ-mi quân phục khi đi ra ngoài vì nó không hở nách, có tay ngắn), Tổ Trưởng Lý cởi chiếc áo Đông Xuân đang mặc đưa tôi mà nói: “Mặc ngay vào kẻo lạnh lại sưng phổi bây giờ!” Cả Lý và Hóa cùng cười (vì tôi thường nói câu “sưng phổi”) nhưng không hiểu sao tôi lại bật khóc!...


*

Lần thứ hai đi Dân vận, chúng tôi được giao nhiệm vụ làm Tổng vệ sinh những nơi công cộng: đường đi lối lại trong Làng, Bệnh xá của Xã, Trường Tiểu học của Xã và cuối cùng là Ủy ban Nhân dân Xã. Cùng làm có cả một số thanh niên của địa phương, chuyện trò râm ran như pháo cho nên trời có gió mùa Đông Bắc mà không thấy giá lạnh, rét mướt gì cả… Gần trưa thì chúng tôi làm xong, mọi con đường đi lại trong Làng như mang một bộ mặt mới, quang đãng, sạch sẽ. Chúng tôi vào chơi nhà ông Trần Gian thì thật bất ngờ khi thấy cả ông bố của Tổ Trưởng Lý và bà mẹ của Tổ phó Hóa đang ngồi nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Thì ra họ đã bàn bạc và thống nhất với nhau là vào dịp Tết Âm lịch sắp tới sẽ tổ chức đám cưới cho hai cô con gái ông Trần Gian với Lý và Hóa!...

Một lúc sau, Nụ mới “nháy” tôi ra nói nhỏ: “Mấy ngày nay, hai cha con ông Trần Phu đi mò cua bắt ốc ở tận cánh đồng làng bên, ngày nào cũng tối mịt mới về mà cũng không được là bao! Xem chừng  mấy ngày không có gạo mà  ăn rồi!...”. Nghe Nụ nói vậy, tôi chạy ngay về đơn vị, tới nhà bếp nói với Bếp Trưởng Tỷ: “Anh Tỷ ơi, cho tôi xin suất gạo của Tổ ba người Toán Lý Hóa đến nhà ông Trần Gian nấu món cháo Lươn đãi người nhà của Lý Hóa đến hỏi cưới con gái ông Trần Gian cho Lý và Hóa!”. Bếp Trưởng Tỷ nghe nói vậy thì nói : “Chúc mừng các cậu. Con gái ở đây đẹp nổi tiếng, lấy được vợ ở đây là tốt rồi!” Bếp Trưởng Tỷ xúc cho tôi một Ký gạo, rồi lại hỏi: “Cần nữa không?”. Tôi gật đầu thì lại xúc thêm một Ký nữa. Sở dĩ Bếp Trưởng Tỷ dễ dãi với tôi như vậy vì tôi thường được cử xuống phụ giúp nhà bếp những lúc nhà bếp có người ốm đau hoặc đi lấy gạo ở kho…Xách hai Ký gạo, tôi chạy một mạch đến nhà ông Trần Phu. Vẫn chưa thấy hai bố con ông Trần Phu về! Tôi để hai Ký gạo vào trong bếp rồi chạy tới cánh đồng Tam Thiên Mẫu, nơi tôi đoán là cha con ông Trần Phu sẽ tới đó mò cua bắt ốc vì nghe nói cánh đồng này rất nhiều loài vật sống dưới nước sinh sống!...

Đáng lẽ gần trưa thì trời phải hửng nắng và ấm lên một chút nhưng vì có đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường cho nên trời lại lất phất mưa mà gió lạnh như quất vào mặt. Cũng vậy, như mọi khi, tôi chỉ chạy bộ khoảng năm phút là người nóng dần lên, có thể cởi dần cho tới hết quần áo rồi nhảy ùm xuống con sông đào, bơi qua bơi lại hai lần, nhưng hôm nay không hiểu sao càng chạy càng thấy lạnh!...

Khi chạy tới gần khu vực cánh đồng Tam Thiên Mẫu, tôi bỗng thấy một đám hơn chục người đang xúm xít xung quanh cái gì đó. Tôi chạy lại đám đông hỏi thì có người nói: “Có hai người đi mò cua bắt ốc bị cảm lạnh đột ngột, đã tắt thở!”. Tôi giật mình, vội lách đám đông vào thì bàng hoàng khi nhìn thấy cả hai người đều mặc áo tơi, người đàn ông thì bên trong mặc chiếc áo Đông Xuân màu xanh của bộ đội, còn cô gái thì mặc chiếc áo quân phục của bộ đội bằng vải Tô Châu vẫn còn mới!...


Sài Gòn, ngày 21,22 -11-2009
Đỗ Ngọc Thạch
Ngày đăng: 27.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]

In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Nguồn: vanchuongviet.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét