Đặc
trưng của từng thể loại và mối quan hệ giữa các thể loại trong tiến
trình phát triển của văn học là những
vấn đề cơ bản của lý luận văn học.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến thể loại truyện ngắn,
một thể loại văn học được coi là “xung kích” của
đời sống văn học, một thể loại có
tính chất “thuốc thử” đối với hầu hết nhà văn trên con đường sáng tạo
nghệ thuật đầy cam go…Do đây chưa phải là một
chuyên luận “bài bản” nên những
trích dẫn không đánh số chi tiết (tránh cho bài viết “cồng kềnh”, nặng
nề) mà chỉ xin nêu ra một số sách tham khảo chính như :
“Cá tính sáng tạo và sự phát triển
của văn học” (M.B.Khrapchenco), “Những vấn đề thi pháp của Đoxtoiepxki”
(M. Bakhơtin), “Những vấn đề lý luận trong kịch hiện
thực” (M.Gorbunova), “Cấu tứ trong
thơ trữ tình” (G.Bese), “Lao động nhà văn” (A. Xaytlin), “Bông hồng
vàng” (K.Pauxtopxki), “Đaghextan của tôi” (R.Gamzatop),
“Sổ tay truyện ngắn” (Vương trí
Nhàn), “Những vấn đề lý luận và lich sử văn học” (Viện Văn học), v.v …
* * *
Khi nghiên cứu sự phát triển
của những thể loại trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, M.B.
Khrapchenco đã phát triển luận điểm của V.Bielinxki
“…nếu như có những tư tưởng của
thời đại thì cũng có những hình thức của thời đại”, ông lưu ý rằng, khi
quan sát sự bộc lộ mối liên hệ với thời đại, với hiện
thực lịch sử của sự phát triển của
những thể loại, chúng ta phải thấy rằng sự phát triển các thể loại
trong những thời kỳ lịch sử nhất định nằm trong mối tương
quan nhất định với sự phát triển
những khuynh hướng nghệ thuật, và cũng phải chú ý đến sự không đồng đều
độc đáo của quá trình phát triển nghệ thuật, nghĩa là
trong khi một số thể loại này sống
không lấy gì làm lâu thì những thể loại khác, tuy có sự biến đổi cơ
bản, lại chứa đựng nội dung xung đột của những thời đại
khác nhau.
Truyện ngắn, một thể loại mà
nếu nhìn thuần túy hình thức bên ngoài thì dường như nó không thay
đổi, nhưng nếu nghĩ
rằng nó phải chứa đựng nội dung
xung đột của những thời đại khác nhau thì ắt nó sẽ có biến đổi gì đây ?
Rõ ràng, cái biến đổi cơ bản vừa
nói trên đối với thể loại truyện
ngắn, nó thuộc về cấu trúc nội tại của thể loại này. Điều này phù hợp
với luận điểm khá thịnh hành hiện nay : về phương
diện lịch sử, thể loại là một cấu
trúc biến đổi. Vậy thì ta hãy xem cái biến đổi ấy nó tuân thủ nguyên tắc
nào để nó đủ sức chứa đựng được những tư tưởng mới của
thời đại mới.
Theo tôi nghĩ, trong lịch sử
phát triển của thể loại, bên cạnh việc xuất hiện những loại hình, thể
loại mới, khái niệm đổi mới sáng tạo
của nghệ thuật bao hàm sự đạt tới
một cách hoàn mỹ của một loại hình, thể loại nào đó. Nói cách khác, mỗi
loại hình, thể loại luôn vận động để tự làm giàu mình
đồng thời tác động qua lại lẫn
nhau để đạt tới sự hoàn mỹ cao hơn – trở thành những “khuôn vàng thước
ngọc” của nghệ thuật.
Mỗi loại hình, thể loại cần
có tên gọi, khuôn mặt của nó. Với truyện ngắn, ý kiến sau của Ga-ra-nốp
thật đáng chú ý : “ Đối với truyện
ngắn hay, có một vấn đề đặc biệt
quan trọng, đó là bảo vệ cho được tính xác định về mặt thể loại. Truyện
ngắn cần phải cô đọng đến mức cao nhất. Vấn
đề số một đối với nó là vấn đề
dung lượng (xin đừng lẫn với sự ngắn gọn bên ngoài)”.
Nhà văn có tài, có phẩm chất
sáng tạo chính là người chấp nhận tự nguyện và thoải mái những nguyên
tắc sắt đá của thể loại. Trong quá
trình chấp nhận lề luật đó, chính
là anh ta đã làm cho những nguyên tắc sắt đá đó trở nên hoàn mỹ. Thể
loại càng đẹp, càng tinh xảo, tư tưởng càng sâu sắc, càng
lớn lao.
Khi cầm bút, vấn đề viết cái
gì đây dần dần sẽ được chuyển thành vấn đề lựa chọn thể loại nào ? Sẽ
không thể viết nổi nếu không nắm vững
nguyên tắc của thể loại và điều đó
không chỉ là vấn đề nghề nghiệp đơn thuần mà còn là một yếu tố quan
trọng để cùng với tư tưởng tình cảm hình thành nên
cảm hứng sáng tạo, hình thành nên
“tia chớp” cảm hứng để nhà văn cất cánh bay vào bầu trời sáng tạo nghệ
thuật.
Chọn thể loại cho phù hợp với ý
đồ tư tưởng là khâu đầu tiên đặc biệt quan trọng của quá trình sáng
tạo. Với ý nghĩa này , bản thân thể loại –
hình thức , đã thể hiện sự đòi hỏi
phải phù hợp với chủ đề tư tưởng – nội dung. Luận điểm về mối quan hệ
hữu cơ giữa hình thức và nội dung thể hiện rõ ngay ở
khâu đầu tiên này. Ý tưởng này
được nhà thơ Raxun Gamzatop nói bằng hình ảnh độc đáo và giản dị:
“Kẻ ngu làm kinh ngạc bằng tiêng gào
Người thông minh làm kinh ngạc bằng câu tục ngữ dẫn ra đúng chỗ.
Mùa xuân đã đến – hãy hát bài ca
Mùa đông đã đến – hãy kể chuyện cổ tích “
Trong lịch sử phát triển lâu
dài của nghệ thuật văn chương nhân loại, có rất nhiều ví dụ về những nhà
cách tân lớn mà bằng tài năng độc
đáo của mình đã đưa thể loại
truyện ngắn đến những đỉnh cao rực rỡ của sự hoàn mỹ. Tính cách tân của
các thiên tài là làm phong phú, đa dạng thể loại đồng thời
tiến tới khẳng định những nguyên
tắc cơ bản, những qui định ngặt nghèo và khắt khe của sáng tạo nghệ
thuật ở thể loại truyện ngắn.
K. Pauxtopxki - nhà cách tân
độc đáo, người thầy dạy nghề cỡ lớn đã nói về điều này:”Mỗi nhà văn, kể
cả những người muốn viết
truyện ngắn một cách hoàn toàn
thoải mái, đều không khỏi có lúc phải nghĩ về những nguyên tắc sắt đá,
những “qui luật vàng” được viết trong các sách giáo
khoa văn học. Những qui luật đó cố
nhiên rất hay. Chúng buộc những ý tưởng còn lờ mờ trong đầu óc nhà văn
phải cập bến những ý đồ chính xác và sau đó, nhịp nhàng
đi tới những khâu cuối cùng ,
tới sự hoàn thiện của tác phẩm, cũng như con sông mang nước của mình
tới biển”.
Thông thường, người ta chỉ
chú ý đến tính chất tự sự (kể chuyện) của truyện ngắn, tệ hơn là coi
truyện ngắn như một thứ văn xuôi
“nôm na mách qué”, hoặc thứ văn
xuôi “bò sát ngọn cỏ” !...Đó là một quan niệm sai lầm. Truyện ngắn đích
thực không bao giờ là những chuyện vặt vãnh mà mỗi chi
tiết dù nhỏ bé cũng ẩn tàng hơi
thở của thời đại, nỗi đau, niềm vui của nhân thế… Những cách tân, sáng
tạo của các nhà văn bậc thầy về truyện ngắn đã khẳng định
rằng, truyện ngắn, về tạng chất
của nó rất gần với thơ, thậm chí có thể nói một cách không đến nỗi quá
đáng rằng, truyện ngắn là một dạng cấu trúc đặc biệt
của thơ. Với ý nghĩa ấy, truyện
ngắn có vị trí cao cả đặc biệt ở ngay cả trong “bầu trời Thi ca” mà lâu
nay thơ ca độc tôn ! Về điều này, cũng K.Pauxtopxki
có ý kiến tuyệt hay :”…Cái chính là ở chỗ khi văn xuôi đã đạt tới mức hoàn thiện toàn mỹ thì về bản chất nó đã thật sự là
thơ!”. Và chính những
truyện ngắn của K.Pauxtopxki là sự chứng minh rõ ràng ý tưởng đó : được
cảm hứng trữ tình sâu lắng dẫn dắt, những câu truyện rất
giản dị mà Pauxtopxki kể ra đã mất
đi cái chất nôm na ngày thường của nó mà lấp lánh cái cấu trúc kỳ ảo
của những tứ thơ thể hiện những nỗi niềm ưu tư, trắc ẩn
về số phận con người, thời đại…
Cần lưu ý rằng, cái nghĩa
Thơ được nói đến ở đây phải được hiểu là chất trữ tình sâu lắng của
những trạng huống, của những tâm
trạng nhân vật trong truyện ngắn
(chứ không phải là những sự uốn éo cầu kỳ trong câu văn, sự lòe loẹt
trong tả cảnh…), là sự cao đẹp của tư tưởng thẩm mỹ
khả dĩ có sức mạnh chắp cánh mà
nâng cao tâm hồn người đọc thoát khỏi những sự níu kéo của cái “trần
tục” ở đời thường đặng vươn tới những ý tưởng đầy nhân văn
và sáng tạo. Với ý nghĩa ấy, chất
thơ của truyện ngắn chính là cái tâm trong sáng mà đầy nặng sự ưu thời
mẫn thế của nhà văn.
Như vậy, khi đạt tới đỉnh cao
sáng tạo, thơ và truyện ngắn đã gặp nhau hòa thành đám mây ngũ sắc kỳ
diệu ! Đây chính là đầu mối để ta
lần tìm về đặc trưng loại biệt của
thể loại truyện ngắn. Bởi vì, chỉ có đứng ở nơi hội tụ của sáng tạo
nghệ thuật này, ta mới nhìn rõ những nguyên tắc sắt đá,
những qui luật vàng của thể loại
truyện ngắn !
Ta hãy trở lại câu hỏi
“Truyện ngắn là gì ?”. Như trên vừa nói thì có phải chăng truyện ngắn
là thơ, một dạng thơ đặc
biệt - thơ văn xuôi ? Đó cũng là
một ý, song chưa vội, hãy trở lại với cái tên gọi của nó : Truyện ngắn !
Tên gọi truyện ngắn đã thể
hiện khá rõ diện mạo của nó : truyện ngắn thì phải là truyện… ngắn !
Không cần phải dùng
lối chiết tự hoặc tìm tra cái ngữ
nghĩa xa xưa của thuật ngữ “truyện ngắn” như nhiều người đã làm, mà ta
hãy cứ nhìn vào phương thức tồn tại và cái hình
hài ngắn gọn đến ngạc nhiên của
những truyện ngắn kiểu mẫu của các bậc thầy, sẽ có ngay được ý niệm cơ
bản khá chính xác về truyện ngắn : đó là một kỳ quan
nghệ thuật bé nhỏ nhưng có sức
chấn động phi thường !
Một số người dựa vào chính
cách tồn tại của truyện ngắn để giải thích những đặc điểm của thể loại .
Đây là một hướng tiếp cận tốt.
Bởi vì từ khi ra đời cho đến nay
(truyện ngắn hình thành gắn liền với sự ra đời của báo chí), truyện ngắn
ngày càng khẳng định rõ chức năng của
nó ở cả hai phương diện báo chí
và văn chương . Môi trường sống của truyện ngắn là báo chí, nhưng tính
chất của nó là một tác phẩm văn chương .
Báo chí qui định cho truyện ngắn
một hình thức – khuôn khổ ngắn gọn . Tính chất văn chương đòi hỏi truyện
ngắn phải đạt tới một tác phẩm nghệ thuật có cấu
trúc hoàn chỉnh – một chỉnh thể
thẩm mỹ. Những truyện ngắn nào còn nặng về tính chất ghi chép, phóng sự
và sức khái quát yếu là do chưa thoát ra khỏi vòng
cương tỏa của cái môi trường báo
chí. Cũng là cái hạt mầm được gieo trên mảnh đất báo chí” ấy , nhưng
truyện ngắn phải phát triển thành một loài cây đặc biệt,
khác hẳn với những “vườn cây báo
chí”, nó phải vươn tới tầm cao của sự sáng tạo nghệ thuật để tạo nên
một thế giới khác : thế giới nghệ thuật văn
chương .
Truyện ngắn của chúng ta ít
tính chất văn chương, nặng tính chất thời sự báo chí vì người viết bị gò
ép quá nhiều về tính
chất “có định hướng” của tờ báo,
vào những chủ đề, đề tài mà tờ báo đó phải “bám sát”. Song, chủ yếu là
do tài năng của người viết, chưa từ cái
“khung cửa nhỏ” của đề tài mà nhìn
bao quát được cả đại dương – mở rộng khả năng ôm trùm hiện thực, khả
năng khái quát của thể loại truyện ngắn.Việc so sánh
truyện ngắn với tiểu thuyết dưới
đây sẽ làm rõ ý này .
Như trên đã nói, vấn đề đặc
biệt quan trọng là bảo vệ cho được tính xác định về mặt thể loại của
truyện ngắn . Và tính xác định đó chính
là sự đòi hỏi truyện ngắn phải cô
động đến mức cao nhất. Điều này cũng được X. Antônốp đặc biệt nhấn mạnh :
“ Trước mắt nhà văn viết truyện ngắn là vấn đề
rất phức tạp. Mọi câu chuyện càng
phức tạp hơn, bởi lẽ truyện ngắn phải …ngắn !...Chính việc truyện ngắn
phải ngắn khiến nó tự phân biệt một cách dứt khoát và
rành rọt bên cạnh truyện vừa và
tiểu thuyết”.
Không ai máy móc qui định
truyện ngắn phải bao nhiêu chữ, nhưng khuôn khổ báo chí đã hình thành
nên một diện mạo tương đối định
hình đối với truyện ngắn : từ ba
đến năm ngàn chữ. Điều cần chú ý ở đây là: cái vỏ hình thức bên ngoài
khá định hình của thể loại truyện ngắn đã buộc nó
phải tạo nên sự biến đổi của cấu
trúc nội tại, đó là sự vận động phát triển đi từ cái cá biệt đến cái
chung, từ cụ thể hóa đến khái quát hóa, tức là quá
trình điển hình hóa của nghệ thuật
văn chương. Đó chính là sự cách tân, đổi mới, sáng tạo của thể loại
truyện ngắn. Sư khác biệt của truyện ngắn đối với truyện
dài, tiểu thuyết không phải chỉ ở
độ dài ngắn. Có người chú ý đến phẩm chất đặc biệt của truyện ngắn do
môi trường báo chí đòi hỏi, đó là yếu tố mới lạ.
Song, cần lưu ý rằng, yếu tố mới
lạ đó không phải là tính thời sự “sát sạt”, càng không phải là “chuyện
lạ đó đây” của môi trường báo chí. Yếu tố mới lạ của
truyện ngắn là phải tạo nên được
sự cuốn hút đối với người đọc vào những sự kiện đang diễn ra một cách
đầy biên động của cả đời thường và những chuyện lớn lao
của thời đại. Điều cần nhấn mạnh
là, yếu tố mới lạ đó là sự xâu chuỗi cái đời thường và những cái lớn lao
thành một cấu trúc nghệ thuật hoàn chỉnh đặc biệt ngắn
gọn, cô đọng của truyện ngắn khiến
cho cái cụ thể và cái trừu tượng, cái cá biệt và cái điển hình ở truyện
ngắn khác hẳn tiểu thuyết: nó hòa vào nhau và dường
như là một để tạo nên sức cuốn hút
mạnh mẽ ở người đọc – đọc liền một mạch. Chính ở cách đọc truyện ngắn
này, một lần nữa cho ta thấy cái phẩm chất
gắn bó với thơ của nó: mạch cảm
hứng không đứt đoạn và truyện ngắn nào hay là những truyện ngắn cấu
trúc theo một cái tứ độc đáo như của tứ thơ vậy
!...
X.Antonop đã nói về điều này
như sau:”Bởi truyện ngắn chỉ đọc liền trong ít phút nên ở đây rất cần
tới sự nguyên vẹn của cấu trúc, sự
thống nhất của phong cách. Một vài
câu không đâu, thậm chí vài trang tiểu thuyết có thể bỏ qua, nhưng ở
truyện ngắn, người ta không được phép. Cần phải nhớ rằng,
một trong những đặc điểm cốt yếu
của truyện ngắn là nhạy bén trước những gì thay đổi của đời sống…Một
trong những lý do để nhiều thế kỷ qua, truyện ngắn trở
thành một trong những thể loại có ý
nghĩa phổ cập nhất: đó là sự kết hợp giữa yếu tố năng động, khả năng
nhạy bén với một cái nhìn rất mới đối với cuộc
sống”
Ngắn ở truyện ngắn đồng nghĩa
với cô đọng, tinh chất – nhìn vào đó có thể thấy cuộc sống hiện ra với
đủ sắc màu của nó. Sự thách
đố ở đây là ai viết được ngắn gọn
nhất ! Lep Tonxtoi nói:”Tôi không có thời gian để viết ngắn!”. Còn A.
Tsekhop nói:”Để có một truyện ngắn tốt, trong truyện đó,
không có cái gì được thừa, cũng y
như trên boong tàu quân sự, ở đó tất cả đâu vào đấy, không có gì được
thừa, truyện ngắn cũng vậy. Nghệ thuật viết, nói cho đúng
ra, không phải ở chỗ viết như thế
nào, mà là nghệ thuật vứt bỏ đi những gì dở kém như thế nào”…
Và A.Tsekhop đã rất trung
thành với những nguyên tắc đó của nghệ thuật viết truyện ngắn. Ông cố
gắng viết thật ngắn, nhưng truyện
của ông nồng ấm hơi thở đời sống,
bao quát những vấn đề cơ bản của xã hội và vang lên âm hưởng sử thi
quyến rũ. Sự sáng tạo của A.Tsekhop khiến ta ngạc nghiên
chính là kết cấu chặt chẽ, ngắn
gọn và có vẻ đẹp thanh tú, giản dị đến tuyệt vời. Đó là sự ngắn gọn,
giản dị của thiên tài. Tomat Man nói:”Sự ngắn gọn của
Tsekhop là sự ngắn gọn tráng lệ”.
Còn Trifnov nói:”Truyện ngắn của Tsekhop (những truyện ngắn hay nhất)
chính là những tiểu thuyết được tài năng ghê gớm của ông
cô gọn lại”. Và , từ những truyện
ngắn mẫu mực của Tsekhop, Trifnov đã đi đến khẳng định đặc trưng của
thể loại truyện ngắn: Về khả năng bao quát
cuộc sống, truyện ngắn và tiểu
thuyết bình đẳng với nhau… Một anh hùng ca dày dặn và một truyện ngắn
bốn, năm trang có thể xếp vào cùng một diễn đàn”. Ý kiến này
dường như có vẻ cao hứng và cường
điệu. Song, với bàn tay sáng tạo kỳ diệu của thiên tài, sức mạnh của thể
loại là không có giới hạn !
Đến đây, có thể nói, truyện
ngắn vừa là dạng thức đặc biệt của THƠ, vừa là TIỂU THUYẾT được cô gọn
lại – dạng thức độc đáo của tiểu thuyết.Với ý
nghĩa này, nếu nói truyện ngắn là
thể loại văn học khó nhất là hoàn toàn có cơ sở. Ở truyện ngắn, mỗi câu
chữ, mỗi dấu chấm phảy đều phải được chọn lọc tới mức
tinh xảo, hoàn mỹ. Ngôn ngữ của
truyện ngắn phải là thứ ngôn ngữ kim cương tuân theo những “Quy luật
vàng” khắc nghiệt ! Cho nên ta sẽ dễ dàng tìm
thấy không ít những ý kiến về đặc
trưng của thể loại truyện ngắn gần với quan niệm trên. Chẳng hạn
như:”Trong các thể loại văn chương, truyện ngắn đóng vai
trò hổ báo trong đại gia đình các
loài vật. Ở loài thú dữ này, không được có chút mỡ thừa dính vào mọi cơ
bắp, nếu không chúng không thể săn mồi được. Ngắn gọn
là qui luật của việc cấu tạo
truyện ngắn. Nhờ có khả năng phản ánh hành động một cách ngắn gọn,
truyện ngắn có khi còn có thể đạt tới trình độ anh
hùng ca và đó là cả một bí mật của
nó” (Hoan Bốtsơ), “Truyện ngắn là một thứ giọt nước mà không có nó
không thể có đại dương . Theo tôi hiểu toàn bộ truyện ngắn
là một tấm thảm lớn lao về cả thời
đại. Với những mảnh tưởng như rất nhỏ bé, nó góp phần tạo nên cả tấm
chân dung hoàn chỉnh. Truyện ngắn giống như tranh khắc
gỗ, lao động nghệ thuật ở đây đòi
hỏi chặt chẽ, cô đọng, các phương tiện phải được tính toán một cách tinh
tế, nét vẽ phải chính xác. Đây là một công việc vô
cùng tinh tế. Xoay xỏa trên một
mảnh đất chật hẹp, chính đó là chỗ làm cho truyện ngắn phân biệt với các
thể loại khác” (Ts. Aitmatốp), v.v…
A. Tônxtôi nhận định :
truyện ngắn là một trong những thể tài văn học khó nhất. Về nội dung
cũng như về tư tưởng , nó không
khác gì tiểu thuyết…chỉ có điều do
ngắn nên khó hơn…Truyện ngắn đòi hỏi một công phu lao động lớn. Đây là
chỗ đánh dấu trình độ nghệ thuật một nền văn học”, để
thấy rằng vấn đề đã trở nên trầm
trọng, chứ không phải “chuyện như đùa” nữa . Từ ngày có cuốn “Những
người thích đùa” của Azít Nêxin,
dường như làng văn của chúng ta
thiếu đi tính thận trọng, nghiêm túc cần thiết . Người sáng tác viết như
đùa nhà phê bình cũng viết như đùa mà quên đi rằng
“cơm áo không đùa với khách văn”
! Muốn đùa phải cao tay lắm ! …
* * *
Nhà thơ Đức Bese có nói rất hay rằng : “Khi nào bầu trời thơ ca rạng rỡ nhất ? Sau cơn giông ,
sau xung đột” . Câu này
được viết trong chuyên luận “Cấu tứ trong thơ trữ tình” .Như thế có thể
nói rằng, xung đột không chỉ là đặc trưng loại biệt của
KỊCH mà cả THƠ và VĂN XUÔI đều có
dự phần. Cũng như vậy, chất trữ tình bay bổng không chỉ là thuộc tính
đặc trưng của THƠ mà cả KỊCH và VĂN XUÔI đều không thể
thiếu. Sự tác động qua lại, chuyển
hóa lẫn nhau giữa các thể loại văn học không chỉ làm cho thể loại trở
nên phong phú, đa dạng mà còn ngày càng khẳng định
những đặc trưng có tính loại biệt
của các thể loại. “Thể loại sống bằng hiện tại, nhưng luôn nhớ quá khứ
của mình, khởi thủy của mình” (M.Bakhơtin) – liệu còn
cách nói nào hay hơn nữa ?
Hanoi, l985 – TP.HCM, 2009
Đỗ Ngọc Thạch
Đã viết lại bài này, xem: TRUYỆN NGẮN - ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI
Đã viết lại bài này, xem: TRUYỆN NGẮN - ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét