Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh.
Hứa
Tam Tỉnh thuở nhỏ học rất giỏi nhưng gia cảnh nghèo túng, dung mạo thì
xấu xí, thấp lùn lại đen đủi. Tài học của Tam Tỉnh nổi tiếng cả trấn
Kinh Bắc thời ấy. Cùng thời với Tam Tỉnh, có
Nguyễn Giản Thanh là người ở làng Me (tên chữ là Hương Mặc), xã Minh
Đức, huyện Tiên Sơn cũng tỉnh Bắc Ninh. Tài học của Giản Thanh cũng nổi
tiếng trong trấn nhưng trong bụng Giản Thanh rất kiêng nể Tam Tỉnh. Kỳ
thi Hội khoa Mậu Thìn đời vua Lê Uy Mục(1508), hai người cùng đi thi. Qua các kỳ thi Hội rồi thi Đình, bài của họ Hứa đều xuất sắc hơn bài của họ Nguyễn. Các quan
chấm thi đều nhất trí là lấy Hứa Tam Tỉnh đỗ đầu, tức Trạng Nguyên, còn
Nguyễn Giản Thanh đỗ thứ hai tức Bảng nhãn, và người đỗ thứ ba tức thám
hoa là Nguyễn Hữu Nghiêm.
Ba
vị đỗ cao được tiếp kiến Long nhan. Lúc đó, bà Kinh Phi (mẹ vua) cũng
có mặt, nhìn thấy Giản Thanh mặt mũi sáng sủa đẹp trai hơn cả thì liền
chỉ Giản Thanh mà hỏi quan chủ khảo:”Người này chắc là Trạng nguyên?”. Quan
chủ khảo không muốn phật ý mẹ vua nên lúng túng, đoạn chỉ cả vào Giản
Thanh và Tam Tỉnh mà tâu rằng:”Hai người này tài học ngang nhau nên chúng tôi chưa biết lấy ai đỗ Trạng. Xin
mẫu hậu và Hoàng thượng phán xét”. Vua cũng biết là văn tài của Tam
Tỉnh hơn Giản Thanh nhưng ngó thấy bà kinh phi đang nhìn Giản Thanh với
ánh mắt long lanh đắm đuối thì vì muốn chiều lòng mẹ nên mới ra thêm bài
phú Phường thành xuân sắc (cảnh mùa xuân ở kinh đô) để xét tài cao
thấp.
Giản
Thanh nghĩ, nếu làm bằng chữ Hán thì sẽ không thể cao xa thâm thúy bằng
Tam Tỉnh, chi bằng làm bằng chữ Nôm, hình ảnh bóng bẩy, câu văn yểu
điệu tất mẫu hậu sẽ hiểu được và thích thú. Tức thì Giản Thanh ứng khẩu
đọc liền một mạch:
Chợ Hòe đầm ấm, phố ngọc tần vần
Trai bảnh bao đá cầu vén áo
Gái éo le rủ yếm khỏi quần
Khách Tràng An cưỡi ngựa xem hoa rợp đường tử mạch
Chàng công tử ngựa xe giương tán, sáng dặm thanh vân… (*)
Bà
Kinh phi nghe đọc mà miệng cười phấn chấn, má ửng đỏ như gái dậy thì,
mắt lấp lánh như ánh thu ba…Đàm đạo một hồi, vua lại thấy Giản Thanh là
người phủ Từ Sơn – quê ngoại của mình nên đẹp lòng lắm, truyền lấy Giản
Thanh đỗ Trạng nguyên, còn Tam Tỉnh lùi xuống hàng bảng nhãn. Biết
chuyện này, nho sĩ kinh Bắc phẫn nộ lắm, làm vè chê Giản Thanh là “mạo
Trạng Nguyên”, nghĩa là “Trạng nguyên mặt”, vì đẹp trai mà được đỗ
trạng, đồng thời cũng có nghĩa là “Trạng giả mạo”, thực không xứng đáng.
Còn Hứa Tam Tỉnh, tuy không được đỗ Trạng nguyên nhưng người đời vẫn
thường gọi ông là Trạng Ngọt (tức ông Trạng làng Ngọt – tên chữ là Vọng
Nguyệt – bên bờ sông Như Nguyệt).
* * *
Hứa Tam Giang cùng tiểu đội trắc thủ ra đa với tôi gần một năm. Sau khi Trung đoàn gọi đi học về kỹ thuật rađa nhưng lại hoãn, bèn giữ tôi ở lại Trung đoàn bộ làm giáo viên văn hóa, thế là tôi xa anh bạn Hứa Tam Giang từ đó. Cuối năm l970 tôi trở về trường tiếp tục đời sinh viên… Sau này, khi là sinh viên văn khoa, tôi được cử về làng Ngọt để sưu tầm văn học dân gian, có dò hỏi tung
tích anh bạn Hứa tam Giang nhưng bặt vô âm tín. Bù vào đó, tôi được
nghe kể về ông cố nội Hứa Tam Giang mà rất ít người biết. Sau
cái buổi chấm trạng nguyên bằng mặt vừa nói trên, có một chuyện kín nơi hậu cung mà rất hiếm người biết, bởi nó thuộc loại “Thâm cung bí sử”. Chuyện như sau:
Trước
khi vinh qui bái tổ, ông trạng Giản Thanh tổ chức một đại tiệc khao các
quan trường, bạn hữu ở kinh đô. Tiệc tàn thì bà Kinh Phi cùng hai con
thị nữ tới. Thấy quan Trạng đã ngà ngà men say, bà Kinh Phi nói: “Khỏi
bày tiệc làm gì. Ta đến đây vì bài phú Phường thành xuân sắc của quan
Trạng đó. Tả cảnh xuân mà khơi dậy tình xuân tưởng đã tắt trong lòng ta.
Thật là thần thi!”. Giản Thanh nói: “Mẫu hậu quá khen! Văn của hạ thần
lọt vào được tai của mẫu hậu thật là may lắm thay!”. Mẫu hậu cười, nói:
“Ta thích nhất câu Trai bảnh bao đá cầu vén áo. Gái éo le rủ yếm, rớt quần! Văn chương chớ bóng bẩy hào hoa mà phải tự nhiên như nhiên mới thiêu đốt được lòng người tình xuân lai láng!”. Giản Thanh nói: “Kẻ hạ thần xin lĩnh ý!”. Mẫu hậu vừa cười vừa nhìn quan trạng đắm
đuối, nói: “Quan trạng làm thơ đá cầu, tất biết đá cầu chớ? Ta muốn xem
quan trạng đá cầu!”. Giản Thanh hứng chí, đá cầu như rồng bay phượng
múa! Mẫu hậu mười phần thích thú, nói: “Trai bảnh bao đá cầu vén áo,
quan trạng phải cởi bỏ áo quần lụng thụng đi đá cầu mới ngoạn mục!”. Giản
Thanh vừa cởi bỏ áo quần, tức thì mẫu hậu nhào tới ôm chầm lấy, miệng
nói: “Ôi! người đẹp của ta! Tình xuân của ta!”. Hai đứa thị nữ thấy vậy
hốt hoảng kêu lên: “ Trạng Me đè mẫu hậu” rồi ù té chạy ra ngoài .
Sau này, cái câu “Trạng
Me đè mẫu hậu” lọt ra ngoài, mẫu hậu nổi giận sai cắt lưỡi hai con thị
nữ và truyền cho quan trạng Giản Thanh phải sửa lại câu nói đó. Không
hiểu quan trạng Giản Thanh bày mưu tính kế ra sao, nhưng sau đó thấy
lưu truyền câu chuyện như sau: Trước kia, có thầy địa lý nổi tiếng tên
gọi Tả Ao đã từng xem đất nhà Hứa Tam Tỉnh ở làng Ngọt và nói đây là đất
phát Trạng nguyên. Đến khi qua làng Me của Nguyễn Giản Thanh thấy ngôi mộ tổ nhà Giản Thanh thì
lại nói: “Đất ngôi này cũng phát trạng”. Mọi người lấy làm lạ, hỏi: “Lẽ
nào một khoa lại có hai trạng?”. Tả Ao tiên sinh nói: “Trạng Me đè
trạng Ngọt”, rồi rũ áo bỏ đi. Không ai tin, nhưng đến khi Giản Thanh
vinh qui bái tổ, người ta mới chịu tài Tả Ao và mặc dù Hứa Tam Tỉnh
không được đỗ Trạng dân làng vẫn gọi ông là Trạng Ngọt .
Sự tích Trạng Me đè Trạng Ngọt được lưu truyền rộng rãi cho đến tận bây giờ. Còn câu nói Trạng Me đè mẫu hậu thì hầu như không ai biết!
Xin
được miễn bình luận về câu chuyện trên, tôi xin kể tiếp về ông cố nội
của Hứa Tam Giang kẻo cái truyện ngắn này sẽ vượt quá khuôn khổ quy
định, vì còn phải dành phần kể về cuộc đời đầy phong ba, đầy éo le, nghiệt ngã của Hứa Tam Giang nữa.
Đến
đời ông Hứa Tam Phong thì những đặc điểm của ông Trạng Ngọt đã phát
triển đến tột đỉnh: gia cảnh cực kỳ bần hàn, diện mạo, hình dung cực kỳ
quái dị (nếu theo như sách tướng thì đó là một trong bốn quí tướng:
Thanh – Kỳ - Cổ - Quái) và thiên tư thì cực kỳ thông minh, mẫn tiệp.
Diện
mạo ông Hứa Tam Phong xấu xí đến mức mỗi khi đi ra đường ông phải đội
khăn che mặt, chỉ để hở hai con mắt sáng như sao, cuối vầng mắt thật sắc
như dao cắt (sách tướng nói người có mắt như thế dễ nổi tiếng về đường văn chương!). Năm 12 tuổi, Hứa Tam Phong đã theo học hết các ông thầy danh tiếng của nho sĩ Bắc Hà thời đó. Các
ông thầy dạy Hứa Tam Phong đều bái phục cậu bé sát đất và đều thú nhận
không còn chữ để dạy cậu bé có thiên tư tuyệt vời này nữa. Khoa
thi năm đó, nghe nói nhà vua treo bảng cầu hiền, việc chấm thi sẽ rất
gắt gao, cậu bé Hứa Tam Phong đội khăn che mặt lều chõng đi thi, quyết
đem lại tiếng thơm cho dòng họ. Nhưng,
đêm hôm trước ngày thi, Hứa Tam Phong đang ngủ trong nhà trọ thì có một
vị công tử lẻn vào, dựng Tam Phong dậy và nói: “Ta chính là con, của
quan Trạng Giản Thanh, mẫu thân ta chính là bà Kinh Phi! Ta thi đã nhiều
khoa mà chưa đậu, nhưng cái số của ta sẽ đỗ đầu khoa thi này. Trời đã
xui ta gặp nhà ngươi. Ngươi không thể tránh được mệnh trời. Vậy ngày
mai, ngươi cứ viết bài nhưng phải ghi tên ta. Còn nhà ngươi, cầm lấy túi
tiền này và phải đi thật xa, nếu không ta sẽ cho đi chầu ông bà ông
vải!”. Nói xong, vị công tử nọ ấn túi tiền vào tay Hứa Tam Phong, tay
kia rút ra thanh kiếm sáng loáng kề vào cổ cậu bé! Sáng hôm sau, người
ta thấy cậu bé đội khăn vào dự thi nhưng khi nộp quyển xong thì không ai biết cậu bé ấy đi đâu. Dân
làng Vọng Nguyệt phái người đi bốn phương tìm kiếm nhưng vô hiệu. Thời
gian trôi đi, hình ảnh cậu bé Hứa Tam Phong chỉ còn là ký ức của mọi
người. Có một người biết Hứa Tam Phong đi đâu, chính là vị công tử nọ,
sau đó là quan trạng. Quan trạng
cử hai vệ sĩ thân tín bám gót Hứa Tam Phong, dặn là đến nơi hoang vắng
thì sẽ hạ thủ cậu bé, lột lấy da mặt đem về làm bằng. Nhưng sau ba ngày
đóng giả làm khách lữ hành bám theo Hứa Tam Phong, hai vệ sĩ này động
lòng trắc ẩn, không những không nỡ giết cậu bé mà còn hộ tống cậu vào
tận vùng đất mới Đồng Tháp Mười sinh sống . Hai
người vệ sĩ ấy tên họ là gì, họ đã sống với nhau ở miền Nam xa xôi ra
sao, họ có lập được những kỳ tích nào không, đó còn là cả một bí ẩn! Chỉ
biết là năm mươi năm sau, trên sông Như Nguyệt đoạn làng Vọng Nguyệt,
người ta thấy một ông lão đánh cá sống đơn
độc trên một chiếc thuyền nhỏ, thân mình đầy những vết thương chằng
chịt, mặt được che bằng chiếc khăn Hồng Lĩnh. Từ khi có ông lão, khúc
sông Như Nguyệt này tiệt hẳn nạn trộm cướp, nạn chết đuối vì sông nước
cũng không còn, Hà Bá cũng phải kiêng nể ông lão đánh cá cô độc này .
Một vài ông già trong làng Vọng Nguyệt chợt nhớ lại hình ảnh cậu bé Hứa
Tam Phong năm mươi năm về trước, cố tìm cách để hỏi chuyện ông lão,
nhưng ông lão nói là không hề biết Hứa Tam Phong là ai, ông lật khăn cho
các cụ già làng xem khuôn mặt đầy những vết chém của gươm đao, không ai
đã có thể khẳng định đó là khuôn mặt của cậu bé Hứa Tam Phong ngày
trước. Nhưng đêm đêm, vào những lúc trăng thanh gió mát, người nào thính
tai đều nghe thấy từ khúc sông vẳng lên tiếng đọc thơ trầm hùng. Vì đã
có truyền thuyết võ tướng Trương Hống đọc thơ Lý Thường Kiệt ở khúc sông
Như Nguyệt này mà đánh tan quân Tống cho nên người ta nghĩ là hồn ông
Trương Hống còn linh thiêng, vẫn còn đọc thơ để kêu gọi nhân chúng đứng
dậy đánh giặc cứu nước. Nhưng, có một người biết đích xác không phải
Trương Hống đọc thơ mà chính là ông lão đánh cá đọc thơ. Người đó là Cô
Hạnh, con một ông đồ nghèo ở trong làng, là người đẹp không chỉ nhất
làng mà cả trấn Kinh Bắc không ai có thể sánh nổi!
Năm ấy, cô Hạnh vừa đúng độ tuổi trăng tròn lẻ, không chỉ nhan sắc tuyệt trần mà cầm kỳ thi họa đều tinh thông không ai bằng. Tiếng
đồn cô Hạnh đến tai quan huyện. Lập tức, quan huyện cho người tới dạm
hỏi làm vợ bé! Ông đồ nghèo kinh hoàng, chỉ biết đấm ngực kêu trời! Cô
Hạnh bủn rủn chân tay, khóc hết nước mắt! Đêm ấy, cô Hạnh đi ra bờ sông, đứng trước một cái hút. Chỗ
này, nghe nói sâu ngàn trượng, biết bao sinh linh oan khuất, khổ đau đã
trầm mình nơi đây? Đúng lúc cô Hạnh nhìn đăm đăm vào mặt nước loang
loáng ánh trăng thì vang lên giọng thơ trầm bổng, não nùng, như là từ cõi xa xăm vọng về:
Dòng sông chở sầu hoài đâu hết
Khói sóng trên sông đẫm lệ người
Anh hùng đâu tá, dòng nước siết?
Liệt nữ tìm chi dòng nước trôi?
Cô
Hạnh giật mình, nhìn quanh quất chỉ thấy mặt sông mờ mịt khói sóng,
tịnh không có một bóng người, vậy mà tiếng thơ vẫn ngân vang vô tận!
Tiếng thơ như thấm vào từng mao mạch của cô Hạnh, khiến cô rùng mình,
thảng thốt. Cô nhắm mắt lại rồi lao đầu xuống hút nước!
Từ lúc cô gái xuất hiện bên hút nước, ông lão đánh cá đã nhìn thấy cả. Đúng
lúc cô gái lao xuống thì từ trên con thuyền nhỏ đậu khuất trong một lùm
cây ven sông, ông lão cũng bật người lao xuống nước như một con chim
bói cá. Ông lão đã vật lộn với dòng nước xoáy và đưa được cô gái lên thuyền.
Khi
đã tỉnh lại, nhìn thấy ông lão đánh cá che mặt, cô Hạnh nói với ông mà
như nói với người hư ảo: "Ông lão đánh cá cô độc đấy ư? Ông cứu tôi làm
gì? Tôi đã quyết hiến thân cho Hà Bá còn hơn phải sống trong hang hùm
miệng sói!”. Ông lão nhẹ nhàng nói: “Cô nương nên tìm cách khác, sao lại
hủy hoại tấm thân non trẻ đang giá ngàn vàng như vậy? Cô nương không
tiếc công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ sao?”. Mắt Hạnh trào lệ, cô
nghẹn ngào nói:”Nhưng tôi sắp rơi vào tay bọn quỷ dữ!”. “Tôi sẽ cứu cô
nương – ông lão bình thản nói: “Cô nương muốn tôi đưa tới đâu, tôi sẽ cố
gắng hết sức để cô nương được bảo toàn”. Cô Hạnh nhìn đăm đăm vào
tấm khăn che mặt của ông lão đánh cá rồi đột ngột nói:”Ông lão, ông có
phải là cậu bé Hứa Tam Phong Thần đồng ngày xưa không?”. Ông lão ngập
ngừng một lát rồi nói nhanh, tiếng ông
như gió thoảng:”Thưa cô nương, chính phải! Tôi là Hứa Tam Phong!”. Cô
Hạnh giật mình, lấy hai tay ôm mặt, đoạn từ từ bỏ tay ra, nhìn ông lão
chăm chú, nói:”Thì ra chính ông là Hứa Tam Phong! Tại sao ông bỏ làng
xóm ra đi, năm mươi năm mới trở lại mà không cho ai biết?”. “Chuyện của
tôi dài lắm. Tôi bị người ta cướp đoạt mất nghề văn nên chuyển sang nghề
võ. Vì nhớ quê hương mà trở
về, song nghĩ mà hổ thẹn với tổ tiên nên không dám lộ diện” – ông lão
nói rồi khóc nấc, toàn thân ông rung lên như sóng nước! Hồi lâu, cô Hạnh
nói: “Họ Hứa nhà ông có còn người nối dõi không? Nghe nói mặt ông xấu
xí lắm? Cho tôi coi được không?”. Ông
lão nói: “Xin cô nương đừng coi, cô nương sẽ chết khiếp vì bộ mặt như
quỷ Dạ Soa của tôi!”, Hạnh nói dịu dàng: ”Tôi chỉ sợ bọn mặt người nhưng
lòng dạ là quỷ ma. Ông ngồi xích lại gần đây, mở khăn ra cho tôi được nhìn thấy mặt
người mà tôi ngưỡng mộ văn tài từ lâu!”. Ông lão ngần ngừ rồi giật tấm
khăn che mặt ra, ông nghĩ cô gái sẽ rú lên kinh hãi như bao cô gái khác
khi nhìn thấy bộ mặt gớm ghiếc của ông. Nhưng ông hoàn toàn bất ngờ khi
thấy cô Hạnh chỉ thoáng giật mình, khẽ nhắm mắt lại rồi mở ra nhìn ông
chăm chú, ánh mắt lung linh như ngọc… Cánh tay trần của cô trắng ngà
dưới ánh trăng huyền ảo, ngực cô chuyển động như sóng nước theo từng hơi
thở mạnh. Tấm chăn chiên ông
đắp cho cô đã trễ xuống, để lộ ra khuôn ngực mềm mại, đang tỏa hương
thơm trinh bạch. Ông nhắm mắt lại, vội quay mặt đi toan đứng dậy thì cô
gái đã vươn tay ra, ôm lấy đầu ông ép mạnh vào bộ ngực nóng rực của mình
mà nói: “Ôi, ước gì tôi được đổi bộ mặt của tôi cho ông! Hứa
Tam Phong! Yêu tôi đi… tôi sẽ đẻ cho ông một đứa con trai! Ông cần phải
có con nối dõi!” Ông Hứa Tam Phong cảm thấy mình như đang bồng bềnh
trên những tầng mây trắng xốp! Hồi lâu, Hứa Tam Phong mới định thân trở
lại, ông nghe tiếng nói như lửa cháy, như nước reo bên tai:”Ông yêu tôi
đi… Tôi sẽ đẻ cho ông một đứa con trai thật đẹp! Sau đó, ông hãy đưa mẹ
con tôi đến một làng chài ven biển, gửi tôi ở đấy… Biển bao dung và
những ngư dân tốt bụng sẽ cho tôi lánh nạn”. Hứa Tam Phong vội nói:”Tôi
xin đội ơn cô nương!”, nhưng tiếng nói của ông đã tan đi trong hơi thở
thiên thần của cô gái!
* * *
Hứa
Tam Giang chính là cậu bé được sinh ra và lớn lên ở ngã ba sông đó.
Khuôn mặt Hứa Tam Giang được thừa hưởng sắc đẹp của người mẹ và sức khỏe
thì được thừa hưởng của người cha. Còn trí thông minh đặc biệt là của
ông nội – tức Trạng Ngọt – truyền lại. Song, Hứa Tam Giang lại bị cái
tật oái oăm: nói lắp! Mà tật nói lắp (cà lăm) của anh lại khá nặng!
Chính cái tật nói lắp đã khiến anh gặp rất nhiều phiền toái, thậm chí
rất nghiêm trọng…
Đặc điểm chính của công
việc trắc thủ Rađa là thông báo các số liệu về mục tiêu (tức máy bay
Mỹ) lên chỉ huy sở, tức người trắc thủ phải nói rõ ràng, rành mạch như
phát thanh viên truyền hình. Đó
là một khó khăn “bất khả kháng” đối với Hứa Tam Giang. Các thủ trưởng
đại đội đã quyết định điều Hứa (từ đây nói tắt là Hứa cho tiện) xuống
tiểu đội nuôi quân. Nhưng mỗi khi máy móc trục trặc, trung đội trưởng
máy P. 40 (trong đội hình chiến đấu của bộ đội Rađa, cứ mỗi một máy rađa
thì biên chế một trung đội, một đại đội Rađa thường gồm có ba máy rađa, tức ba trung đội…) lại phải chạy xuống nhà bếp để cầu cứu anh chàng Hứa. Nói vậy có nghĩa là Hứa có năng khiếu đặc biệt về máy móc. Hứa nhìn vào
mạng lưới dây nhợ chằng chịt của máy rađa như người nhạc sĩ nhìn vào
bản nhạc, như người họa sĩ nhìn vào bức tran. Nói nôm na, khi Hứa làm
việc với máy móc cứ như người nhạc sĩ tấu nhạc, như người họa sĩ vung
bút! Nhưng sự đời éo le, nghiệt
ngã lại nhắm thẳng vào Hứa mà thể hiện…Một lần, Hứa đang phụ trách một
chảo cơm khổng lồ thì trung đội trưởng máy rađa P40 chạy xuống bếp cầu
cứu Hứa: máy rađa bị trục trặc đúng lúc có lệnh mở máy tăng cường (bạn
đọc có thể hiểu nôm na là tinh hình đang rất căng thẳng, máy bay Mỹ đang bay vào rất nhiều, toàn bộ hệ thống máy rađa của chúng ta đã huy động hết mà vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chiến đấu). Hứa
chạy lên máy cùng trung đội trưởng… Nghiệt nỗi là lúc đó, tiểu đội anh
nuôi chỉ có mình Hứa trực ban làm nhiêm vụ. Khi Hứa theo Trung đội
trưởng đi sửa máy rađa thì cái nhà bếp thành vô chủ! Điều đó cực kỳ
không an toàn! Và sự cố đã xảy
ra: cả chảo cơm khổng lồ bị cháy thành tro cùng cái nhà bếp! May mà chỗ
đặt nhà bếp ở rìa làng nên không ảnh hưởng tới ai!. . .
Về
vụ cháy nhà bếp này, chính trị viên đại đội đòi kỷ luật nặng ngay tức
thì, nhưng “án trảm” vừa mới phát ra thì đại đội trưởng cho người tới
báo: Cuộc không chiến ban nãy, trên bầu trời phía Tây Thủ đô Hà Nội,
không quân ta đã bắn rơi tại chỗ bốn chiếc
“Con ma” (F-4H: tiêm kích hải quân Mỹ), trong đó có sự hợp đồng tác
chiến rất kịp thời của máy rađa P. 40, do đó cấp trên quyết định thưởng huân chương chiến công cho máy rađa P. 40! Tuy thế, chính trị viên chỉ giảm mức án đối với chàng Hứa chứ không cho “trắng án” như đề nghị của đại đội trưởng!
Những “tai nạn” na ná như cái vụ cháy nhà bếp vừa nói xảy ra khá nhiều đối với chàng Hứa… Dường như anh chàng Hứa này phải vác trên vai một cái “món nợ đời” quá nặng! Trong những ngày “phiêu bạt giang hồ” ở Sài Gòn, ngẫu nhiên tôi đã gặp lại Hứa Tam Giang: anh chàng đang làm chủ một lò bánh ngọt ở quận Năm!. . . Câu chuyện phải tạm dừng ở đây vì từ khi gặp lại Hứa Tam Giang, một cuốn tiểu thuyết bộ ba đã hình thành khá rõ, và nhân vật chính là anh bạn Hứa Tam Giang của tôi!
Đỗ Ngọc Thạch
(*) Xem thêm bài phú Phụng thành xuân sắc của Nguyễn Giản Thanh: "...Chợ Hòe đầm ấm/Phố Ngọc tần vần/Trai lanh lẹ đá cầu vén áo/Gái éo le rủ yếm đôi quần...".
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét