Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (vannghechunhat.net)
Trích: Ở Trọ
Ở trọ
Làng nói trạng
- Chi tiết
- Chuyên mục: Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
- Lượt xem: 316
Nếu
có ai hỏi ông Đồ Tiếu, một trong số những người cao tuổi nhất Làng
Hạ, rằng tại sao Làng Hạ có “biệt danh” là “Làng nói Trạng” thì ông
đều kể bằng một câu chuyện rất dài và chỉ có thể tóm tắt như sau:
:Ở trọ
- Chi tiết
- Chuyên mục: Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
- Lượt xem: 298
Có
hai cửa ải quan trọng đối với “dân ngoại tỉnh” khi đến những thành
phố lớn là ở trọ và đi làm thuê kiếm sống. Hai cửa ải này nó “liên
thông” với nhau nên cùng lúc vượt qua cả hai cửa ải không hề đơn giản.
Mối tình đầu
- Chi tiết
- Chuyên mục: Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
- Lượt xem: 319
1.Thầy
Mân dạy tôi hồi lớp Mười, còn Thầy Hân dạy tôi hồi Đại học. Thầy Mân
chào thầy Hân là Thầy, vì khi học Đại học Ngoại ngữ, thầy Mân cũng học
thầy Hân. Như thế, thầy Hân vừa là Thầy của Thầy
tôi, tức Sư phụ của Sư phụ, và với tôi thì là Sư phụ, tức tôi gọi thầy
Hân là Sư phụ hoặc Sư phụ của Sư phụ đều đúng!
Chờ
- Chi tiết
- Chuyên mục: Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
- Lượt xem: 209
Vào năm 1972, khi tôi vào học năm thứ hai của Khoa Ngữ Văn (trường
ĐH Tổng hợp Hà Nội) thì chúng tôi sơ tán về xã Châu Minh, huyện Yên
Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tình già
- Chi tiết
- Chuyên mục: Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
- Lượt xem: 250
Nhà
dưỡng lão Thanh Bình do hai vợ chồng nhà doanh nghiệp Lê Văn Thanh
và Võ Hòa Bình lập ra từ khi có phong trào “Đổi mới tư duy” năm 1986.
Các bài khác...
Trang 23 / 39
Ở trọ
- Chuyên mục: Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
- Lượt xem: 298
Phải
là người đã từng “Nếm mật nằm gai” như Việt Vương Câu Tiễn mới có
thể đồng cảm với điều tôi vừa nói. Có lẽ tôi là người có “Quý nhân
phù trợ” cho nên việc vượt qua hai cửa ải nói trên tuy cũng trần ai
như ai nhưng cũng không đến nỗi nào, công việc thì cũng “sạch sẽ”,
vừa sức và cả năm chỗ mà tôi đã từng ở trọ thì đều thuộc loại một,
hai sao – tức có đầy đủ tiện nghi tối thiểu chứ không phải dạng “một
mình một chiếu” trong một lán trại đông đúc như dân công hỏa tuyến
thời chiến tranh!
*
Nhà đầu tiên tôi ở trọ là nhà ông Hòa,
ở trong một ngõ hẻm rộng của đường N.T. Lựu thuộc Quận 3. Đây là một
khu vực đẹp cả về nhà cửa và đường phố của Quận 3. Chủ nhà, tức ông
Hòa là một cựu chiến binh, đã về hưu được dăm ba năm. Hồi chiến tranh,
ông là lính cảnh vệ, bảo vệ an toàn cho căn cứ và thủ trưởng nào cần
đi đâu thì đều muốn ông đi bảo vệ. Vì thế, khi hết chiến tranh, ông
Hòa về thành phố, được các thủ trưởng cũ quan tâm đặc biệt, phân cho
một căn nhà khá rộng rãi (4mx25m).
Căn nhà của ông Hòa thuộc loại “trung
lưu”, tức không phải vi-la biệt thự nhưng khá đẹp: một trệt một lầu,
sân trước 3 mét, sân sau bảy mét, tức diện tích căn nhà chỉ còn
4mx15m=60m2, nhưng với gia đình chỉ có 4 người, hai vợ chồng ông Hòa
và hai đứa con (từ 10 đến 15 tuổi) thì quá ư rộng rãi. Vợ ông Hòa khi
ở trong cứ làm chị nuôi, được các thủ trưởng rất quý (và đã đứng ra
làm chủ hôn cho đám cưới với anh lính cảnh vệ Hòa) nên khi về thành
phố, được biên chế vào ngành thương nghiệp rồi giao cho phụ trách hẳn
một cửa hàng bách hóa. Vì thế, khi về hưu, bà Hòa làm một cái tủ
“Bách hóa” nho nhỏ, bán tại nhà, cũng đủ tiền chợ cho cả nhà. Song,
khi hai đứa con lớn dần lên thì lương hưu của hai vợ chồng và cả cái
tủ “Bách hóa” cũng không đủ chi tiêu tối thiểu nữa, vì thế ông Hòa
quyết định cho thuê toàn bộ phần trên gác sau khi đã mở rộng thêm
diện tích trên phần sân trước và sân sau, cũng được 4mx10m=40m2. Như
vậy, toàn bộ diện tích cho thuê tổng cộng là 100m2, chia là năm ô,
mỗi ô 20m2, tức ngang 4 m, sâu 5 m, cho một hộ “tiểu gia đình” (hai vợ
chồng và một đứa con – mô hình “tiểu gia đình” này là khách ở trọ
khá phổ biến bởi bất kỳ chàng trai cô gái nào yêu nhau mà chỉ có “hai
trái tim vàng” thì đi ở trọ là cách tốt nhất để bảo vệ Tình yêu!)
thuê là quá đẹp! Tôi đi ở trọ cũng không ngoài cái công thức khá phổ
biến là “Một căn phòng trọ, hai trái tim vàng!”…
Khi tôi đến nhà ông Hòa hỏi thuê nhà
thì chỉ còn một phòng ở trên chỗ sân sau, nó ở ngay trên chỗ nhà bếp
và khu nhà vệ sinh (sàn lát gỗ) nên khá ồn và nhiều mùi xú uế, nhưng
nó lại liền kề với con hẻm nhỏ phía sau nhà (có cổng sau) nên cũng
khá thoáng mát…Công việc tôi làm lúc này chỉ là nhận đánh máy bản
thảo cho mấy nhà xuất bản, được đồng nào hay đồng ấy bởi người chủ
cái “tiểu gia đình” của chúng tôi là vợ tôi, đang làm y tá ở Bệnh
viện, tạm thời có thể “nuôi sống” cái “tiểu gia đình” này! Vì thế,
những khi hết việc, tức hết bản thảo, tôi thường đem cái máy chữ xách
tay Olympia ra chỗ rẽ ở cầu thang, ngồi gõ tí tách đủ các thể loại
(tùy hứng) và bao giờ cũng vậy, vừa gõ xong một trang, đang thay giấy
thì nghe vọng tới tiếng hát đến nao lòng:
Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Cành tre ... í ... a
Dòng sông ... í ... a
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ...
Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Cành tre ... í ... a
Dòng sông ... í ... a
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ...
*
Tôi ở trọ được hai ngày thì người hát
những câu hát trên xuất hiện: đó là một cô gái có dáng hiền thục thôn
nữ, nhưng thoắt cái đã tỏ ra rất tinh ranh, nghịch ngợm. Cô gái ở
ngay nhà kế bên. Mỗi khi phơi đồ, cô gái đều hát một bài gì đó. Khi
thấy tôi ngừng đánh máy và nghểnh tai lên để nghe thì cô gái cười
khanh khách và nói: “Cho anh kia nghe miễn phí nhưng nhớ là khi nào
tôi cần đánh máy đơn từ gì đó thì làm giùm nghe không?”. Nghe cô gái
nói vậy, tôi nghĩ bụng: cô gái này có giọng hát mê đắm lòng người,
thế nào cũng trở thành ngôi sao ca nhạc nếu thời cơ đến!”. Quả nhiên,
ngày hôm sau, cô gái sang nhờ tôi đánh máy tờ đơn xin dự tuyển vào
Đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Tất nhiên là mấy tờ nữa gồm tóm tắt lý
lịch, giấy chứng nhận sức khỏe, bản sao học bạ - cô gái tên Hoa, đang
học năm cuối trung học phổ thông, v.v…Trong khi ngồi chờ tôi đánh
máy, cô gái nói: “Thực ra, em cũng không muốn bỏ học giữa chừng thế
này nhưng không hiểu sao, hai năm nay em cứ học trước quên sau, các
công thức, định lý chẳng nhớ được cái nào nên khi làm bài tập không
biết xoay trở ra sao? Nói chuyện với mẹ, mẹ em bảo em không thích hợp
với việc học hành nữa mà nên phát huy sở trường ca múa của mình. Con
người ta làm gì cũng đều cao quý miễn làm tốt và được mọi người ủng
hộ!”. Tôi nói ngay: “Mẹ cô nói đúng đấy. Cô có giọng hát rất lạ, rất
quyến rũ, thế nào cô cũng thành công! Khi nào biểu diễn ở đâu nhớ cho
tôi biết nghe!”. Cô gái cười rất hồn nhiên, nói “Nhất định rồi!” rồi
cất tiếng hát:
Xưa kia ở đậu miền xa
Cơn gió ở trọ bao la đất trời
Miền xa ... í ... a
Trời đất ... í ... a
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng …
Xưa kia ở đậu miền xa
Cơn gió ở trọ bao la đất trời
Miền xa ... í ... a
Trời đất ... í ... a
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng …
Cô gái đột ngột ngừng hát rồi lại cười
khanh khách, nói: “Em chỉ làm ca sĩ khoảng dăm năm, kiếm được ít
tiền thì tu sửa cái nhà thành nhà cho thuê! Mẹ em nói đúng lắm, mọi
chuyện đều sẽ trôi đi theo thời gian nhưng chuyện ở trọ thì muôn đời
không bao giờ mất đi, bao giờ cũng có người cần ở trọ!”. Tôi đã đánh
máy xong, cô gái cầm lấy và cám ơn rối rít rồi lại hát:
Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Từng không ... í ... a
Người xinh ... í ... a
Tim em người trọ là tôi
Mai kia dù có xa xôi cũng gần
Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Từng không ... í ... a
Người xinh ... í ... a
Tim em người trọ là tôi
Mai kia dù có xa xôi cũng gần
*
Năm năm trôi qua thật nhanh…Tôi chỉ ở
trọ nhà ông Hòa hai tháng thì một người quen vợ tôi tới nói: “Tôi có
một phòng mạch ở quận 5, định tu sửa lại cho khang trang nhưng chưa đủ
tiền. Vậy nếu hai người không chê thì đến ở tạm, coi như trông nhà
giùm cho tôi!”. Căn nhà đang làm phòng mạch của ông Bác sĩ này cũng
khá rộng, ngang 4 mét, sâu 25 mét, gác gỗ nửa sau, điện nước đầy đủ.
Ông bác sĩ và phòng mạch chỉ hoạt động từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối,
cũng như bao phòng mạch khác. Còn ngoài thời gian đó ra, chỉ có “tiểu
gia đình” của tôi. Đúng là cái số tôi có “quý nhân phò trợ”, bởi chỉ
mấy tháng sau, “tiểu gia đình” của tôi có thêm một thành viên là cô
bé “Tí xíu” – nếu như còn ở trọ (như nhà trọ của ông Hòa chẳng hạn)
thì quả là sẽ rất khó khăn!
Khi cô bé “Tí Xíu” của “Tiểu gia đình”
chúng tôi được năm tuổi thì vợ tôi được Bệnh viện phân cho một “suất
nhà”: cùng một người nữa cũng mới cưới nhau, ở chung trong nửa căn
hộ 4mx8m bổ dọc thành 2mx8m. “Tiểu gia đình” của tôi (3 người) ở phía
trên (gác gỗ), còn 2 người mới cưới ở phần dưới. Tôi phải làm cái
cầu thang ở phía trước để vào nhà và một cầu thang ở phía sau để xuống
khu vực vệ sinh, giặt rũ! Tuy nhà là của mình, không phải ở trọ
nhưng lại quá chật chội và bất tiện! Và điều bất tiện lớn nhất là từ
chỗ ở (trên đường Lò Siêu) đến chỗ làm việc của vợ tôi ở Bệnh viện
quá xa, phải đi mất gần sáu mươi phút xe đạp! Vì thế, khi tôi có
việc làm ở một tờ báo thì “tiểu gia đình” chúng tôi lại đi ở trọ,
không phải nhà ông Hòa mà một nhà ở trong hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh,
vợ tôi chỉ bước vài bước là tới nơi làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng 1,
còn tôi chỉ đạp xe 10 phút là tới tòa báo trên đường Phạm Ngọc Thạch.
Thế mới biết, ở trọ vẫn là giải pháp tốt nhất đối với những hoàn
cảnh luôn có nhiều khó khăn như “tiểu gia đình” của tôi!
Một hôm, có việc phải đi qua chỗ nhà
trọ của ông Hòa, tôi tạt vào chơi thì cả nhà đi đâu cả, cửa khóa im
ỉm. Tôi tính bước ra thì từ trên lầu nhà bên cạnh có tiếng hát vang
lên:
Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
Người xinh ... í ... a
Kiều xinh ... í ... a
Xin cho về trọ gần nhau
Mai sau dù có ra sao cũng đành …
Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
Người xinh ... í ... a
Kiều xinh ... í ... a
Xin cho về trọ gần nhau
Mai sau dù có ra sao cũng đành …
Tiếng hát vừa ngừng lại thì từ trên
ban-công, một cô gái hiện ra, tươi cười dơ tay vẫy vẫy. Mới nhìn
thoáng qua, tôi nhận ra ngay cô bé Hoa năm năm trước, không thay đổi
mấy, chỉ có điều rực rỡ hơn, quyến rũ hơn mà thôi! Thì ra cái lần ấy,
cách nay năm năm, Hoa đã trúng tuyển vào Ðoàn ca múa Bông Sen nhưng
cô chỉ xuất hiện trong những tiết mục tốp ca, tốp múa mà không đứng
riêng như một “Ngôi sao”!...Cô gái tỏ vẻ hơi buồn vì gặp lại tôi mà
chưa thành “Ngôi sao”. Tôi bảo: “Nếu Hoa mà thành Ngôi sao rồi thì
tôi làm sao mà gặp được? Thôi, cứ là bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp
là tốt rồi, như thế lại lâu bền !” Cô gái nghe tôi nói vậy thì vui
hẳn lên, nói: “Mẹ em cũng thường nói như vậy! Bây giờ em không còn
quan tâm chuyện thành Ngôi sao nữa mà tập trung vào việc kinh
doanh!”. Hoa mời tôi lên tham quan khách sạn bình dân mới hoàn tất,
ngày mai là sẽ khai trương. Tôi quan sát một lượt rồi nói: “Cũng được
đấy, nhưng sao không nâng cấp lên thành ba, bốn sao có phải là hái ra
tiền không? Khu vực này thuộc trung tâm thành phố, sẽ rất đắt
khách!”. Hoa cười rất tươi, nói chuyện kinh doanh mà như bàn về ca từ
của một bài ca trữ tình: “Em cần tiền nhưng không thuộc loại kiếm
tiền bằng mọi giá, càng nhiều càng ít. Em sửa nhà cho thuê là có ý
muốn giúp đỡ phần nào những người “Sảy nhà ra thất nghiệp” vượt qua
giai đoạn khó khăn mà vươn lên! Chẳng hạn như anh đó, anh bây giờ có
còn phải ở trọ không? Nếu có khó khăn thì đến đây em cho ở trọ miễn phí
tháng đầu, từ tháng thứ hai chỉ lấy nửa tiền!”. Quả là buồn ngủ gặp
chiếu …hoa, “tiểu gia đình” của tôi đến dãy nhà trọ của Hoa ngay ngày
hôm sau và sau đó, chúng tôi ở đây gần một năm nữa!
*
Dãy phòng trọ ở nhà cô bé Hoa cũng gồm
5 phòng, diện tích cũng 20 m2 một phòng nhưng được trang trí đẹp hơn
nhà ông Hòa một chút. Song điều đặc biệt là thành phần người thuê có
khác nhau cơ bản: bên nhà ông Hòa toàn những người làm ăn buôn bán ở
các tỉnh khác về thành phố để móc nối mối buôn bán, còn bên nhà cô bé
Hoa đều là viên chức nhà nước “sa cơ lỡ vận”, hoặc sinh viên mới ra
trường nhưng còn đang thất nghiệp!
Ngay sát phòng tôi ở trọ là một cô gái
học trường Sư phạm, đã tốt nghiệp, nhưng bị phân đi miền núi nên
không đến nhiệm sở. Ngày ngày cô gái đi dạy học (làm gia sư) và tối về
thì ngồi viết tiểu thuyết. Cô gái làm gia sư kiếm sống này có gương
mặt khá xinh xắn và cương nghị, xem chừng cô sẽ “thi gan” với số phận
đến cùng! Đối với những cô gái như thế, khi tiếp xúc nên tránh nói
đến chuyện bị phân đi miền núi của cô! Tuy nhiên, thi thoảng mới gặp
tôi trong thời gian ngắn ngủi, vậy mà cô gái Gia sư đều nói với tôi
chuyện về mấy đứa bạn cùng lớp bây giờ đang ở trên Tây Nguyên dạy học
và sống ra sao: “Anh biết không, con Lan bạn em nó nói, giờ lên lớp
coi như bằng không bởi vì những đứa trẻ người dân tộc ấy chúng nó
nghe và nói tiếng Kinh mình còn chưa được thì học hành cái gì? Chúng
nói với nhau bằng tiếng dân tộc, còn nói với cô giáo bằng thứ tiếng
lơ lớ như người nước ngoài nói tiếng Việt ấy! Được vài ngày lại có
hai ba đứa bỏ học, chẳng lẽ cứ phải đến từng nhà để van nài chúng đi
học mà lên lớp thì như vịt nghe sấm? Có mấy thằng con trai lớn tướng
thì không lo học mà chỉ tìm cách dụ cô giáo đến nhà để bắt làm vợ! Con
Lan nó đã thành vợ của thằng học trò nó tên là Ksor Nhú, cuối năm
nay thế nào cũng đẻ ra một thằng “oẳn-tà-roằn”!”. Tôi nói: “Vậy những
người bạn của cô đã bị “Tây Nguyên hóa” rồi đó! Đến thế hệ sau thì
sẽ có một lớp người nửa Kinh nửa Tây nguyên, rất phù hợp! Lúc ấy chắc
sẽ không phải bắt buộc những người không thích đi xa như bạn đến Tây
Nguyên nữa! Có lẽ bạn sẽ phải chờ đến lúc ấy mới có thể hy vọng
người ta đổi quyết định!”. Cô gái làm Gia sư không hề tỏ ra buồn nản
mà lại rất vui: “Em đã quen với cách sống tự do này rồi! Mình vẫn
được làm cô giáo mà lại được tự do hoàn toàn! Tự do muôn năm!...À, em
có việc này tính bàn với anh, có thể kiếm bộn tiền mà rất dễ dàng:
Có khoảng gần mười người đang học hệ Tại chức của Khoa Ngữ Văn trường
Đại học Tổng hợp phải viết Luận văn tốt nghiệp. Rất tiếc là đề tài
của họ toàn là văn học Việt Nam, mà sở trường của em lại là văn học
nước ngoài, nhất là văn học Trung Quốc. Vì thế, nếu anh đồng ý thì em
sẽ nhận “đấu thầu” hết “cả gói”, tiền công viết tám cái Luận văn
này anh cứ nhận hết, nhưng em cần là cần cái tiếng “Viết Luận văn
thuê” vào loại cao thủ, để làm ăn về sau!”. Quả nhiên, sau khi tôi
hoàn thành tám cái Luận văn, tiếng tăm viết Luận văn thuê của cô gái
Gia sư nổi như cồn cát, đến nỗi năm nào tôi cũng phải bỏ ra chục ngày
lẫn đêm để tiếp sức cho cô Gia sư giải quyết những Luận văn tại chức
không thuộc sở trường của cô!
Tuy việc bán chất xám làm cho tôi khá
mệt mỏi nhưng không hiểu sao, đúng vào lúc mệt mỏi nhất, tôi lại nghe
thấy tiếng hát của cô gái ca sĩ – chủ nhà ngân vang, khiến cho tôi
quên hết mệt mỏi và “như người bỗng lênh đênh giữa đời”:
Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ngàn năm ... í ... a
Buồn như ... í ... a
Ô hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời …
Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ngàn năm ... í ... a
Buồn như ... í ... a
Ô hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời …
*
Lẽ ra, những kỷ niệm ở trọ của tôi
toàn những chuyện vui nếu như không có một vụ “tự thiêu” xảy ra ở bên
dãy phòng trọ nhà ông Hòa. Song, cũng rất may là vụ “tự thiêu” bị
phát hiện ngay nên được khống chế ngay! Sự phát hiện vụ “tự thiêu”
hoàn toàn tình cờ: sáng hôm ấy, tôi dậy muộn do phải “viết thuê” đến
ba giờ sáng. Khi ra ngoài đầu hẻm ăn sáng thì đã chín giờ. Tôi đang
ngồi ăn tô phở thì có một người đàn bà ngồi xuống bàn, phía đối diện
và nói ngay: “Tôi là bồ của ông Tám Cá Tra, đang ở trọ bên nhà ông
Hòa, cạnh chỗ anh cũng đang ở trọ. Tôi phải nói thật với anh là sáng
nay, ông Tám Cá Tra có hẹn tôi đến là để cùng “tự thiêu”, vì chúng
tôi nợ nần chồng chất, tới tiền tỷ mà xem ra không có khả năng chi
trả! Nhưng tôi không muốn chết chung với ông ta và cũng không muốn
ông ta chết mà làm liên lụy tới người khác, bởi ông ta sẽ chọn cách
tự thiêu! Vì vậy, anh hãy vào nói ngay với ông Hòa, bắt ông Cá Tra
giao cho cảnh sát ngay kẻo sẽ xảy ra hỏa hoạn!”. Nghe tới đó, tôi
chạy ngay vào nhà ông Hòa, nói với ông Hòa rồi cùng chạy lên phòng của
ông Tám Cá Tra. Quả nhiên, ông Tám Cá Tra đang ngồi uống rượu (chắc
là đợi cô bồ), sau lưng là hai can xăng đầy!...
Sau vụ ông Tám Cá Tra, tôi mới nói với
ông Hòa: “Khi cho ai ở trọ, ông phải nhìn kỹ mặt người ở trọ sẽ thấy
rõ ngay đó là người muốn sống hay muốn chết!”. Ông Hòa ngớ người:
“Làm sao mà biết được ai là người muốn sống, ai là người muốn chết?”.
Tôi nói ngay: “Người muốn sống thì trên trán có chữ Sinh, người muốn
chết thì trên trán có chữ Tử. Đơn giản vậy mà ông không biết hay
sao?”. Tôi tưởng nói giỡn chơi ông Hòa vậy rồi thôi nhưng không ngờ
hai hôm sau, ông Hòa ăn mặc rất chỉnh tề, qua mời tôi sang làm lễ Bái
sư, tức ông sẽ học tôi môn Tướng mạo học, bởi theo ông thì muốn làm
chủ nhà trọ, phải biết nhìn người, trông mặt phải bắt được hình dong
!...
Sài Gòn, tháng 4-2010
Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: vannghechunhat.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét